Sơ chế tổ yến tại Cơ sở sản xuất Yến sào Du Long của anh Trần Quốc Phương.
Nở rộ nghề nuôi yến
Theo ông Ðỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại đã xuất hiện từ năm 2003 ở tỉnh. Trong khoảng 7 năm trở lại đây, nghề này phát triển khá mạnh với nhiều loại hình, quy mô. Hiện toàn tỉnh có 2.860 nhà nuôi yến, tập trung nhiều nhất ở TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, huyện Hòn Ðất, huyện Kiên Lương. Tổng sản lượng tổ yến cả tỉnh năm 2020 đạt trên 17 tấn, giá trị khoảng 200 tỉ đồng.
Anh Trần Ðông Mẫn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Gia đình đầu tư 3 nhà nuôi yến, hiện đã cho thu hoạch khoảng 10kg/tháng, mang về nguồn thu nhập rất tốt. Ngoài ra, anh còn thu mua tổ yến của 20 hộ với sản lượng từ 60-100kg để sơ chế, tiêu thụ.
Chị Ðoàn Thị Phương Dung, ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương, chia sẻ: Gia đình tôi nuôi yến được 5 năm, mỗi tháng thu hoạch 2-3kg. Nếu bán tổ yến thô với giá 20-25 triệu đồng/kg, thì khi làm sạch, đóng hộp tổ yến có giá 35-40 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, theo các chủ nhà nuôi yến, việc mua bán sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh chưa có thị trường ổn định, chưa mang lại giá trị gia tăng cao vì chủ yếu chỉ xuất khẩu thô hoặc mua bán nội địa. Ða số tổ yến đều chưa được truy xuất nguồn gốc. Số lượng nhà yến tăng nhanh, nhưng không ít nhà yến không có yến vào làm tổ hoặc chất lượng tổ yến không cao.
Anh Phạm Công Dụng, ngụ ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Ðất đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng để xây dựng nhà nuôi yến. “Hiện mỗi tháng tôi thu hoạch khoảng 1kg tổ yến, nhưng tổ xấu nên thương lái ép giá chỉ mua 14 triệu đồng/kg. Khó khăn hiện nay nữa là yến bỏ đi nhiều, chỉ ở lại khoảng 10% so với số yến con nở ra. Ngoài ra, nhà yến cũng thường bị rắn, chim cú, gián, thằn lằn… đột nhập vào ăn tổ yến, nên tổ yến không lành lặn mà vẫn chưa có cách xử lý” - anh Dụng lo lắng.
Cần phát huy chuỗi giá trị
Anh Trần Quốc Phương, ngụ tại C1-15 Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, cho biết: “Gia đình tôi mỗi tháng thu hoạch được 15kg tổ yến, thu mua sơ chế thêm từ các hộ khác khoảng 300kg. Nhưng đa phần là mua bán qua các đầu mối. Tôi mong sao lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm xúc tiến việc đàm phán để tiến tới xuất khẩu chính ngạch không chỉ sang Trung Quốc mà còn ra các nước khác để gia tăng giá trị sản phẩm, để nghề nuôi chim yến của Kiên Giang phát triển tốt hơn, người nuôi yên tâm hơn”.
Hiện tại, để sản phẩm yến sào có sức cạnh tranh trên thị trường, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Kiên Giang đã chọn hướng phát triển thị trường gắn với đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2020, sản phẩm yến sào của Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu yến sào Hồng Châu Yến, đồng thời được cơ quan độc lập chứng nhận đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ðây được xem là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển của doanh nghiệp Hồng Châu Yến trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường” - anh Trần Ðông Mẫn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến, phấn khởi cho biết.
Xây dựng thương hiệu cho yến sào Kiên Giang, ông Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, đề xuất, để đảm bảo phát triển nghề nuôi yến bền vững về lâu dài, cần xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào ngay bây giờ, giúp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp, hộ cá thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu yến sào. “Hiện tỉnh đang có chính sách hỗ trợ 70% chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp, hộ cá thể; hỗ trợ 100% chi phí đối với đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tổ chức, doanh nghiệp, hộ cá thể có thể liên hệ với Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Sở Khoa học và Công nghệ để được tư vấn” - ông Nguyễn Xuân Niệm chia sẻ.
Theo bà Ðỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, Kiên Giang có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa nghề nuôi yến và đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới). Nhưng để phát triển bền vững, đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngành nuôi chim yến cần được quy hoạch rõ ràng. Song song đó, phải có cơ chế quản lý và thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đóng vai trò định hướng, điều tiết thông qua việc đặt hàng, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, làm hạ giá thành tổ yến…
Theo ÐẶNG LINH (Báo Cần Thơ)