Đồng Tháp: Sinh kế mùa lũ, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại lợi nhuận cao

17/03/2021 - 10:12

“Trong điều kiện thời tiết có nhiều yếu tố bất thường như hiện nay, mô hình sinh kế mùa lũ đang được thực hiện là khá phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn quá nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao”, đó là đánh giá của ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp (NN&PTNT) về phát triển mô hình sinh kế mùa lũ.


Do đầu mùa lũ 2020 nước về ít nên nông dân huyện Hồng Ngự đã đóng miệng cống trữ nước nuôi cá đồng và lấy phù sa

Theo ông Võ Thành Ngoan, năm 2020, Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL Đồng Tháp) triển khai thực hiện được 12 mô hình, tổng diện tích là 113ha, với 4 loại hình sinh kế (mô hình 2 lúa – 1 cá; 2 lúa – 1 tôm; 2 lúa + 1 vịt – cá và mô hình 2 màu – 1 cá) tại TP.Hồng Ngự Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Về hiệu quả kinh tế, mặc dù có một số mô hình bị lỗ trong hoạt động nuôi cá/tôm mùa lũ nhưng nhưng tổng lợi nhuận mô hình/năm đều tăng so với ngoài mô hình từ 5 triệu - 44 triệu đồng/ha/năm nhờ giảm lượng giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đa số nông dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi bởi tính hiệu quả rất khả quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Mô hình 2 lúa - 1 cá, bình quân tổng lợi nhuận đạt 47,8 triệu đồng/ha/năm (lợi nhuận tăng 14,7 triệu đồng/ha/năm so với ngoài mô hình)

Anh Nguyễn Văn Vương ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông là một trong những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa - 1 vịt - cá đồng. Anh chia sẻ, trước khi tham gia mô hình, anh sạ 20kg giống/công, tuy nhiên khi tham gia mô hình sinh kế, được cán bộ kỹ thật hướng dẫn năm đầu (năm 2019), anh sạ theo hình thức kéo hàng 16kg giống/công, thấy lúa cho hiệu quả cao nhờ ít sâu bệnh. Vụ sau (đông xuân 2020), anh tiếp tục giảm lượng giống xuống 10kg/công. Đồng thời kéo hàng cách 2tấc/hàng để vịt đi giáp đất và cho vịt, cá ăn được sâu mò.

“Nhờ sạ thưa, bón phân hữu cơ và hoàn toàn không dùng thuốc hóa học (cho vịt và cá ăn sâu mò trên lúa) nên lúa đạt năng suất khá cao - 8 tấn/ha. Bên cạnh đó, tận dụng lượng thức ăn tự nhiên trên đồng để nuôi cá, vịt đẻ đã tạo mô hình thu nhập gấp 3 lần so với thông thường. Nhờ vậy thu nhập tăng lên gấp nhiều lần so với cách trồng lúa đơn thuần từ trước đến nay” - anh Vương chia sẻ.

Một trường hợp khác vừa làm và dần rút kinh nghiệm, nên đến nay mô hình 2 lúa - trữ cá tự nhiên của anh Huỳnh Văn Kiểm - nông dân huyện Hồng Ngự đã đạt được lợi nhuận khá cao. Anh Kiểm cho biết: “Vụ đầu tiên (năm 2019), tôi sạ giống Ngọc đỏ hương dứa theo hình thức bón phân hữu cơ, kết hợp nuôi cá, qua tính toán, mỗi ha tôi thu được lợi nhuận khoảng 5-10 triệu đồng. Có kinh nghiệm cho mô hình, năm 2020, tôi làm bài bản hơn, chọn giống cá lăng để nuôi, hiện lúa còn khoảng 1 tháng nữa thu hoạch, giá lấy cọc là 7.200 đồng/kg. Riêng cá lăng, thương lái hỏi mua 80.000 đồng/kg, ước thu hoạch khoảng 5-7 tấn cá. Hai nguồn này dự tính năm nay sẽ cho thu nhập rất cao...”.


Thu hoạch cá lóc trong mô hình

Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc NN&PTNT, mặc dù không phải mô hình nào cũng mang lại hiệu quả, song qua 2 năm thực hiện và một số mô hình đạt hiệu quả khả quan là điều kiện để Ban quản lý Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp cùng nhìn lại và nghiên cứu những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện từng vùng, khu vực cụ thể. “Cần xem đây là mô hình nông nghiệp lớn của tỉnh để có sự phối hợp giữa ngành và các địa phương chọn lựa những mô hình nông nghiệp thích ứng với điều kiện, địa hình, không nhất thiết là 12 mô hình hiện tại” - ông Ngoan chia sẻ.

Trong năm 2021, Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp đặt ra mục tiêu có hơn 16 ngàn ha thực hiện một trong các biện pháp quản lý đất, nước có tính chống chịu khí hậu (POD2); 75% số hộ nông dân vùng dự án (khoảng 14.524 hộ) áp dụng một trong các biện pháp quản lý đất, nước có tính chống chịu khí hậu (POD3); khoảng 39.483 người được hưởng lợi từ dự án (từ hoạt động công trình và phi công trình) (POD4). Đồng thời, diện tích gieo sạ lượng giống tối đa 120kg/ha, giảm ít nhất 10% lượng giống, phân bón, thuốc hóa học/diện tích vùng dự án; 25 – 30% diện tích sản xuất lúa/màu vùng dự án đạt đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm của Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chỉ đạo, sinh kế mùa lũ là mô hình nông nghiệp lớn của tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Trong điều kiện diễn biến nước lũ ngày càng thất thường, các mô hình gặp nhiều khó khăn, các ngành chức năng và địa phương cần đánh giá tính phù hợp của các mô hình, nghiên cứu những loại hình sinh kế mới và xem xét hướng chuyển đổi đối với những mô hình nếu không còn phù hợp. Ngoài ra, sinh kế mùa lũ nhưng cũng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nên đơn thuần dựa vào tự nhiên. Sau khi dự án hoàn thành, cần đúc kết, xây dựng quy trình sản xuất thích ứng phổ biến cho nông dân áp dụng và thực hiện nhân rộng...

Theo MN (Báo Đồng Tháp)