Mỏi mòn chờ thương lái
Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước giải khát từ mía tăng mạnh, thế nhưng người trồng mía nước ở Cù Lao Dung lại đang đối mặt nỗi lo mất giá và thất thu bởi nhiều lý do. Chị Đặng Thị Cẩm Giang, ở xã Đại Ân 1 cho biết: “Hiện nay, rẫy mía 20 công của tôi chỉ vừa thu hoạch được 5 công, còn 15 công đang chờ thương lái đến thu hoạch theo đặt cọc trước đó. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều cây bị đổ ngã, khô gốc cháy lá và nhiều cây chết dần, ước tính có khoảng 30% diện tích bị ảnh hưởng, trong khi đó, khi thương lái đến thu hoạch sẽ tính theo chất lượng cây thực tế”.
Chị Đặng Thị Cẩm Giang (Cù Lao Dung) lo lắng khi nhiều cây mía đang dần chết khô mà thương lái chưa đến thu hoạch. Ảnh: Thiện Hải
Theo so sánh của chị Giang, nếu như năm trước, rẫy mía nước được thu hoạch chỉ sau 10 tháng sinh trưởng thì vụ mía năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái không đến thu hoạch như dự định nên đã kéo dài tới 14 tháng, càng kéo dài thời gian thì năng suất và chất lượng càng giảm. Không chỉ vậy, giá năm nay cũng sụt giảm hơn khi mỗi công bán mía nước chỉ được thu mua với giá 10 triệu đồng, giảm 5 triệu đồng so với vụ mía trước, trong khi tổng mức đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng/công.
Tuy vụ mùa không được như ý nhưng chị Giang còn có cơ hội “vớt vát” lại được một phần lợi nhuận. Riêng nhiều hộ khác, do không tìm được đầu ra đành chịu lỗ bằng cách bỏ rẫy mía chết khô hoặc đốn bỏ để tìm hướng trồng cây khác. Ông Trương Văn Trung, ở xã Đại Ân 1 bộc bạch: “Tôi còn 2 công mía nguyên liệu đến nay vẫn không tìm được thương lái để bán, vài hôm nữa tôi sẽ đốn bỏ để chuyển qua trồng cây cà na. Hy vọng với cây trồng này sẽ có đầu ra tốt hơn cây mía vì khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều bà con trồng mía gặp khó khăn, nên chuyển qua cây trồng khác, năm trước tôi cũng đã chuyển 5 công mía qua trồng dừa dứa và dừa đang phát triển tốt”.
Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cù Lao Dung cho biết: “Năm nay nông dân trồng mía vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, thiếu nhân công thu hoạch và khả năng tiêu thụ của nhà máy đường cũng khó khăn. Hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 150ha mía chưa thu hoạch, chủ yếu là mía nước. Riêng những diện tích mía bị nông dân bỏ trắng là rẫy mía đã được lưu gốc từ năm trước, năng suất không cao”.
Chuyển đổi để thích nghi
Vài năm gần đây, nông dân trồng mía ở Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn từ việc ảnh hưởng của hạn, mặn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh và thiếu hụt nhân công khi vào mùa thu hoạch. Trước thực tế này, lãnh đạo huyện đã chủ trương chuyển đổi dần diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác, chỉ để lại diện tích mía những nơi dễ vận chuyển và diện tích trồng mía nước hiệu quả. Nếu như trong đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 huyện có khoảng 6.500ha mía thì đến cuối năm 2019 đã giảm còn 4.100ha. Sau thời gian chuyển đổi từ mía, các vườn cây ăn trái như: dừa, bưởi, nhãn Ido, thanh nhãn đã phát triển tốt và được tỉnh hỗ trợ mã số vùng trồng.
Ngành chuyên môn và đại diện địa phương đến thăm hỏi tình hình mía cuối vụ. Ảnh: Thiện Hải
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Đắc, khó khăn hiện nay của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nguồn lực của huyện còn hạn chế trong khi nhu cầu cây, con giống để chuyển đổi của người dân lại lớn. Mặt khác, nhiều nông dân vốn quen với lối canh tác mía đơn giản trong khi huyện có định hướng chuyển sang các loại cây trồng, như: nhãn, bưởi, xoài, dừa… lại đòi hỏi bà con có kỹ thuật nhất định mới thâm canh đạt năng suất, chất lượng. Ngoài ra, người dân cũng lo ngại chi phí đầu tư, nguồn nước và nguồn điện để phục vụ sản xuất trong vấn đề chuyển đổi cây trồng.
Theo kế hoạch, niên vụ mía 2020 - 2021, huyện Cù Lao Dung sẽ xuống giống 3.500ha mía nhưng hiện nay chưa có nước ngọt nên tiến độ xuống giống vụ mía mới còn chậm, chỉ ở một số nơi nông dân có điều kiện đã trồng mới và lưu gốc tốt được khoảng 500ha. Nếu nắng nóng kéo dài và không đủ hom mía (mía giống) thì nhiều khả năng diện tích xuống giống năm nay khó đạt kế hoạch đề ra. Ngành chuyên môn của huyện đã khuyến cáo bà con trồng tập trung sử dụng giống mía có khả năng lưu gốc tốt, giống vừa bán được mía nguyên liệu vừa bán mía nước để có thể chủ động hơn trong đầu ra và góp phần giảm chi phí đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Đắc cho biết thêm, trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tập trung các giải pháp phát triển vườn cây ăn trái; đồng thời đơn vị cũng tham mưu lãnh đạo huyện ban hành một số chính sách, hiện nay huyện đang thực hiện chính sách hỗ trợ giống cho khu trồng trọt tập trung có quy mô từ 5 - 6ha trở lên sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống, nếu khu vực này khó khăn về thủy lợi sẽ được huyện xem xét giải pháp nạo vét; đồng thời tiến tới việc xây dựng mã số vùng trồng để liên kết với công ty xuất khẩu.
Theo THIỆN HẢI (Báo Sóc Trăng)