Những ngày này, tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, người dân trồng dừa rất phấn khởi khi biết tỉnh có chủ trương đầu tư vào ngành chế biến dừa công nghiệp để có sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước.
Đời sống người dân khấm khá hơn
Ông Đỗ Thành Tuấn (ngụ xã Long Hưng, huyện Giồng Trôm) cho hay năm 2015, giá dừa ở đây rất thấp, gần như không ai còn muốn trồng dừa nên đốn bỏ trồng cây khác. Nhà ông có 2,5 ha trồng dừa thì đốn bỏ hết 2 ha, số đất còn lại gia đình ươm dừa giống tiếp. Rồi dần dần khi dừa có giá hơn, người dân ở đây quay lại trồng dừa.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế biến từ xơ dừa
Những năm gần đây, ngành dừa được tỉnh đầu tư, phát triển. Biết được tỉnh chủ trương phát triển ngành chế biến dừa công nghiệp vươn ra nhiều nước, bà con ai cũng vui như Tết.
Cạnh nhà ông Tuấn không xa, bà Trần Thị Nhung cũng vừa thu hoạch gần cả ngàn trái dừa. Nhờ trồng dừa theo hướng hữu cơ nên lúc này dừa đã có giá từ 75.000 - 130.000 đồng/12 trái. Dừa trồng theo hướng hữu cơ ít bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn như hiện nay và cho ra trái quanh năm.
Cả nhà bà Nhung có hơn 2 ha dừa. Nguồn thu nhập từ dừa giúp gia đình ổn định cuộc sống, nuôi 2 đứa con học xong đại học. "Bây giờ nghe tin tỉnh đẩy mạnh theo hướng công nghiệp thì dừa sẽ có giá hơn, giúp người dân khấm khá hơn, tôi không còn lo nữa" - bà Nhung phấn khởi nói.
Tỉnh Bến Tre hiện có diện tích trồng dừa đạt khoảng 73.000 ha, chiếm hơn 50% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Khoảng 165.000 hộ đang sử dụng đất trồng dừa. Ngoài ra, tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa nhằm giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Ngành công nghiệp chế biến dừa tiếp tục phát triển với 5 sản phẩm chủ lực là nước cốt dừa, thạch dừa, cơm dừa sấy, nước dừa đóng hộp và than hoạt tính. Trong đó, 3 sản phẩm có sản lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là nước cốt dừa, nước dừa đóng lon và than hoạt tính. Riêng nước dừa đóng lon tăng 37%. Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa năm 2020 ước đạt 265 triệu USD, chiếm hơn 21% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Phát triển toàn diện chuỗi giá trị
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, để phát triển ngành dừa của tỉnh, trong thời gian tới, cần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa bằng nhiều hình thức. Hạn chế tình trạng sản xuất quy mô nhỏ từng hộ gia đình mà phải xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng, người thu mua và DN. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện để ngày càng nhiều DN phát triển, đáp ứng cung cấp sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, có những sản phẩm giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới.
Ông Tuấn cho rằng ngành dừa đã có bước tăng trưởng rất nhanh về trồng trọt và chế biến trong 10 năm qua. Cây dừa là nguồn thu nhập kinh tế, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Bến Tre, giúp người dân ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì thế mà tỉnh sẽ có hướng phát triển hơn nữa cho người trồng dừa.
Ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, cho biết: "Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2020 ước đạt gần 6.000 tỉ đồng, chiếm 17,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân hơn 18%/năm, cao hơn mục tiêu đề ra".
Tại hội nghị tổng kết Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định tỉnh đã xác định dừa là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu hạn - mặn tốt nên cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu về chất lượng giống, phát triển công nghệ sản xuất, chế biến. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển toàn diện chuỗi giá trị ngành dừa để phát triển đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa và nâng cao năng lực tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất - cung ứng cho nhiều nước trên thế giới.
Mở rộng diện tích dừa hữu cơ
Ông Nguyễn Hữu Lập cho rằng các DN cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao tỉ lệ khai thác công suất đã đầu tư, sản xuất, chế biến lượng dừa công nghiệp không chỉ của tỉnh mà cần liên kết để tiêu thụ dừa trái của các địa phương lân cận như Trà Vinh, Tiền Giang... Ngoài ra, DN cần chủ động liên kết với nông dân để phát triển và mở rộng diện tích trồng dừa theo hướng hữu cơ.
|
Theo MINH SƠN (Người lao động)