Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động làm nghề sản xuất giá đậu truyền thống.
Từ chân cầu Sang Trắng 2 chạy men theo bờ sông, hướng về quốc lộ 91B chừng 2km là tới xóm nhà có các hộ liền kề, chuyên sống bằng nghề sản xuất giá đậu. Khu vực Bình Phước, phường Phước Thới, quận Ô Môn có cả thảy 5 gia đình làm nghề sản xuất giá đậu.
Trong đó, có 3 hộ là chị em ruột họ Trương, có thâm niên làm nghề ngót ngét 20 năm. Còn 2 hộ nữa là chị em ruột họ Nguyễn nối nghề cha mẹ, làm giá hơn 5 năm nay. Làm giá đậu, nhìn qua tưởng dễ, nhưng có người học nghề cả năm vẫn không làm được.
Chị Trương Thị Huệ, người làm giá lâu năm nhất ở đây, cho biết: “Tất cả các công đoạn đều cần có kỹ thuật. Trong đó, chỉ riêng công đoạn gài hũ sao cho khi ủ đậu, úp ngược hũ để đậu ráo nước mà đậu không bị rớt ra ngoài, nhiều người học hoài vẫn làm không đạt.
Kế đó là phải chọn được loại đậu có chất lượng, ủ với hũ sành, có lót giá thể và đậy lưới cước cho giá có chỗ bám và phát triển tốt. Mỗi hũ giá trung bình được ủ từ 1,4kg-1,5kg hạt đậu xanh.
Kỹ thuật chuẩn, năng suất tốt là mỗi hũ phải cho thu hoạch từ 12-12,5kg giá. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi hũ giá đậu, người làm giá thu về lợi nhuận từ 10.000-12.000 đồng”.
Chị Huệ tưới nước cho lứa giá sắp đến tuổi thu hoạch.
Trước đây, gia đình chị Huệ sống bằng nghề làm ruộng. Ông xã chị Huệ quê ở tỉnh Tiền Giang, từng đi làm thuê cho cơ sở sản xuất giá đậu của người quen ở TP Hồ Chí Minh nên học được nghề.
Từ sau khi cưới chị, anh về Ô Môn ở rể và cũng đem luôn nghề này đến đây lập nghiệp. Ban đầu, anh chị ở chung với cha mẹ, cả gia đình 6 thành viên, mỗi người giúp một tay.
Từ chỗ chỉ ủ khoảng 5-10 hũ giá/ngày, vài năm sau, số lượng hũ giá đã tăng lên vài chục. Hai người em trai của chị Huệ sau khi lập gia đình cũng theo nghề làm giá kiếm thêm thu nhập. Cô Nguyễn Thị Lệ, mẹ chị Huệ, cho biết: “So ra, làm giá nhàn mà cho thu nhập cao hơn làm ruộng.
Từ ngày có nghề này, chúng tôi cho thuê đất ruộng để đỡ cực. Sau 20 năm phát triển nghề làm giá, đến nay, cả 3 người con của tôi đều có đầu tư gian nhà dành riêng để ủ giá.
Mỗi ngày, các con xổ bán 50 hũ giá, ước chừng khoảng 600kg. Trong đó, vợ chồng Huệ làm nhiều nhất, giá trở thành nguồn thu nhập chính và chủ yếu của con”.
Tay thoăn thoắt xoay trở, tưới nước cho hơn 20 hũ giá chị Huệ cho biết: “Nghề này cực ở chỗ thường xuyên tiếp xúc với nước. Ai không quen, tay chân rất dễ bị “nước ăn”.
Chưa kể còn phải thức đêm chăm sóc và thu hoạch giá. Thường, cứ cách 4 tiếng cho giá ngậm nước 1 lần. Lần tưới nước cuối cùng là lúc 0 giờ của đêm thứ 5 sau khi ủ để giá trắng, đẹp trước khi thu hoạch, cân bán cho bạn hàng lúc 1 giờ sáng”.
Ðể có giá bán mỗi ngày, chị Huệ bố trí 5 dãy hũ sắp theo thứ tự, cách nhau 1 ngày tuổi. Cứ có một đợt giá xuất bán thì ngay lập tức có lứa đậu mới được đem ủ để thế vào chỗ trống.
Hằng đêm, sau khi rút sạch giá và cân cho vào túi, ông xã chị Huệ phụ trách khâu giao cho bạn hàng ở các chợ lân cận và nhiều quán ăn trên địa bàn.
Anh giao đến 3 giờ sáng là xong 1 lượt. Ðến 10 giờ sáng bắt đầu giao tiếp lượt thứ 2, xong mới được nghỉ ngơi.
Giá được ủ bởi đậu xanh và nước đã xử lý kỹ càng, chị Huệ rất tự tin khẳng định, từng cọng giá cao dài, nhiều rễ và có màu trắng tự nhiên, đảm bảo an toàn, không hề sử dụng thêm bất kỳ loại hóa chất nào.
Sản xuất số lượng nhiều, chị Huệ thuê thêm nhân công hỗ trợ các khâu cho giá “ngậm nước”, rút và cân giá. Chị Huệ cho biết, riêng những dịp Tết Nguyên đán hoặc các ngày rằm lớn, Tết Ðoan Ngọ, nhu cầu về loại rau này tăng hơn gấp rưỡi so với ngày thường.
Và đây cũng là những lúc sản xuất rộ nhất trong năm, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho gia đình. 20 năm qua, nhờ nghề sản xuất giá đậu, vợ chồng chị Huệ và 2 người em có thu nhập ổn định, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Theo MỸ TÚ (Báo Cần Thơ)