Công việc thời vụ
Những ngày này, dọc theo các tuyến đường trên địa bàn huyện Tri Tôn, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đang hì hục bên lò lửa, vầng trán lấm tấm những giọt mồ hôi, tất bật với công việc uốn tầm vông. Anh Chau Kha (thị trấn Ba Chúc, người gắn bó với công việc này nhiều năm) cho biết, nghề uốn tầm vông nếu nhìn bên ngoài thì thấy rất đơn giản nhưng để thực hiện được công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng mới có thể tạo ra 1 cây tầm vông thẳng, không bị cháy và đạt tiêu chuẩn.
Nghề uốn tầm vông giúp nhiều gia đình có được cuộc sống ổn định
Chia sẻ về quá trình uốn thẳng 1 cây tầm vông, anh Kha cho biết, trước khi đưa vào lò để uốn, những cây tầm vông phải được róc sạch nhánh, lá và cắt phần ngọn của cây. Cây tầm vông sau khi làm sạch sẽ được đưa lên lò. Công việc uốn cây được bắt đầu từ phần gốc, vì đây là phần cứng nhất của cây tầm vong.
Sau đó, những người thợ sẽ đưa cây vào lò và cố định bằng móc sắt để bẻ thẳng phần bị cong của cây. Trong thời gian này, người thợ phải liên tục lật trở để cây tiếp xúc đều với lửa. Công việc cứ diễn ra như vậy cho đến phần ngọn thì ngưng. Thời gian uốn mỗi “mẻ” tầm vông mất từ 2-3 phút với ngọn lửa đều và nhiệt độ cao.
“Mỗi lượt sẽ uốn từ 10-15 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài, độ “già” của cây. Công việc này thường bắt đầu từ sáng đến 4-5 giờ chiều. Những ngày cao điểm, nhu cầu về số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm cho đến tối” - anh Kha chia sẻ.
Cải thiện thu nhập
Theo anh Chau Kha, nghề uốn cây tầm vông chỉ là công việc thời vụ, theo thời tiết: “Nắng làm, mưa nghỉ”. Tuy là công việc phụ nhưng giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. “Chủ vựa thuê chúng tôi uốn với giá 1.500-1.600 đồng/cây. Bình quân mỗi ngày, tôi uốn khoảng 200 cây, kiếm được từ 300.000 đồng trở lên. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, các lao động còn tham gia vào những công việc khác, như: đốn, vận chuyển, khuân vác… có thể kiếm từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, công việc này không làm thường xuyên do phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết” - anh Kha chia sẻ.
Cây tầm vông sau khi uốn sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL, như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… Đây là nguyên liệu chính để làm ra các vật dụng phục vụ đời sống, như: sào, cột, kèo, giường, nhà cửa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trang trí nội thất... Với nhiều ưu điểm nổi bật, như: suôn chắc, giá thành hợp lý nên tầm vông được thị trường ưa chuộng. Điều này đã giúp nhiều cơ sở kinh doanh ở Tri Tôn “ăn nên làm ra”. Hiện nay, chỉ tính riêng tại xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc có tới hàng chục điểm thu mua cây tầm vông về uốn sửa, phân loại sản phẩm và giao cho thương lái để đi bán ở khắp nơi.
Không những mang lại thu nhập cho các hộ kinh doanh, tầm vông còn là loại cây trồng giúp nhiều nông dân có được nguồn thu nhập tương đối ổn định. Ông Trần Văn Trạng (ngụ xã Lương Phi, có hơn 2 công đất đang trồng cây tầm vông) cho biết, tầm vông là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao trong chăm sóc. Đặc biệt, đây là loại cây trồng không cần nước tưới và chịu hạn rất tốt, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất bị khô cằn, đất trên triền đồi thuộc các địa phương miền núi như ở Tri Tôn.
“Cây tầm vông từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 3-4 năm, sau đó có thể thu hoạch mỗi năm. Thời điểm thu hoạch chia làm 2 đợt, đợt 1 sau tháng Giêng, đợt 2 vào tháng 5-6 (âm lịch). Mỗi bụi, chỉ chiết bán những cây già, chừa lại những cây tơ cho vụ sau. Với giá bán từ 7.000-30.000 đồng/cây (tùy loại), bình quân mỗi công cho thu nhập 7-8 triệu đồng/năm” - ông Trạng thông tin thêm.
Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp nên cây tầm vông được trồng nhiều ở huyện miền núi Tri Tôn, trong đó tập trung ở các xã: Lê Trì, Lương Phi, Ba Chúc… giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập từ nghề uốn tầm vông.
ĐÌNH ĐỨC