Cuộc hội ngộ đầy niềm vui giữa các thế hệ giáo viên, học sinh Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng.
Khó đến mấy cũng phải đến trường
Năm nay, dịp Họp mặt kỷ niệm 60 năm Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng thành lập tại thành phố Cần Thơ, các thế hệ thầy cô giáo và các thế hệ học sinh đã ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường xưa, những gian lao, khổ cực nhưng ấm áp tình thầy trò, tình đồng bào, với sự chở che của bà con nhân dân nơi trường hoạt động.
Thầy Ngô Chi Lăng, một trong những giáo viên đầu tiên của Trường Tây Đô thời đó, xúc động: “Thiếu thốn nhiều thứ lắm. Ba khó khăn lớn nhất phải đối mặt lúc đó: Gạo, tiền lấy đâu ra?, chiến tranh ác liệt liệu có đảm bảo an toàn được hay không?, nan giải hơn hết là tìm đâu ra giáo viên, bởi ở vùng nông thôn giải phóng lúc bấy giờ ngoài cơ quan thì trong Nhân dân không tìm đâu ra người có trình độ văn hóa cấp II”.
Ngày đó, cơm gạo đều nhờ vào dân, dân nuôi chứa các thầy trò, cho cây lá cất trường, cho mượn đất làm ruộng, trồng khoai. Để an toàn cho quá trình hoạt động, trường chia nhiều điểm nhỏ. Có những lớp ngày phải xuống rừng lá dừa ngồi học phòng địch đổ quân, đêm lên đồng ngủ tránh pháo. Học sinh tập trung trước khi khai giảng phải đào hầm tránh pháo, trường còn trang bị 80 khẩu súng trường để trước là để tự bảo vệ, sau là tham gia chống càn. Nhưng dù cảnh giác tối đa, vẫn không tránh khỏi mất mát, khi có nhiều học sinh bị thương, hy sinh. Trong suốt thời gian kháng chiến, có 8 giáo viên và hơn 80 học sinh đã mãi mãi không trở về.
“Có những ngày tình hình động, lớp không đi cải hoạt được, bữa cơm của mấy thầy trò khi đó chỉ có dừa cứng cạy kho tương nhưng hay gọi cho sang là “sườn kho tương”, canh đực,… nên nhiều em bị suy dinh dưỡng”, thầy Lăng nhớ lại.
Tình thương, sự đoàn kết tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn, ác liệt của chiến tranh để trường còn tồn tại. Cô Trần Thị Minh Khai, giáo viên Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng, bộc bạch: “Về công tác tại trường, có nhiều thầy cô khi đó đang là học sinh ở thành phố không biết chèo xuồng, không biết bơi, sợ đỉa, sợ vắt,… nhưng được Nhân dân, các bậc đàn anh đi trước, học sinh nhiệt tình giúp đỡ đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, dựa vào Nhân dân để bám trường, bám lớp”.
Trường Phổ thông cấp II Tây Đô (thường gọi là Trường Tây Đô) được thành lập vào ngày 20-7-1964. Đến năm 1966, Trường có 3 phân hiệu tại huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn và huyện Châu Thành - Phụng Hiệp.
Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch phản công quyết liệt, nhiều giáo viên của trường được điều động công tác khác hoặc hy sinh nên sang năm 1969, Trường Tây Đô phải tạm ngưng hoạt động. Năm 1972, theo đề nghị của Tiểu ban Giáo dục và được Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập lại Trường Nội trú Tây Đô đặt lại tên trường là Trường Thanh niên, thiếu niên công nông Nguyễn Việt Hồng (thường gọi là Trường Nguyễn Việt Hồng).
Sau năm 1975, Trường Nguyễn Việt Hồng chuyển ra thị xã Vị Thanh, 1 năm sau thì sáp nhập vào Trường Bổ túc văn hóa thanh thiếu niên công nông Vị Thanh. Đến năm 1985, trường giải thể. Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng là tiền thân của Trường THPT Tây Đô (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) và Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) ngày nay.
Thế hệ học sinh kiên cường
Ở những năm tháng chìm trong khói lửa chiến tranh, để đi tìm từng con chữ, học để góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, những đôi chân non nớt không sợ mưa bom lửa đạn, gan dạ đến trường.
Bà Trương Thị Bé Ba, cựu học sinh Trường Tây Đô, kể: Năm 1965, bà nhập học lớp 5 tại trường. Khi đó tuổi còn nhỏ nhưng gan không nhỏ, những ngày được đến trường, chị em lại rủ nhau lội đồng ban đêm, tránh đi qua đồn giặc. “Lúc đó lội đồng mà sợ nhất là bị đỉa đeo vào chân, lúc đó đỉa ghê lắm, bây giờ nhớ lại vẫn còn kinh hồn. Có nhiều khi đang trong lớp học, máy bay giặc phía trên cứ gầm rú bay qua lại, thầy trò dẫn nhau chạy vào hầm trú bom”, bà Ba nói.
“Bài học đầu tiên mà tôi được các thầy cô ở Trường Tây Đô dạy là đào công sự để tránh bom pháo, đào lỗ giấu tư trang tập vở. Trường Tây Đô ngày đầu tôi nhập học là một căn nhà lá rách nát của người dân bỏ đi. Cảnh xung quanh là đồng hoang, ghế ngồi là những thùng đựng đạn của giặc vứt lại sau trận đánh. Miếng ăn cũng là thầy trò khai phá đất hoang làm ruộng, mùa khô tát mương kiếm cá, mùa mưa thì đặt lờ, cắm câu, bắt ốc cải thiện”, ông Huỳnh Quang Điệp, cựu học sinh Trường Tây Đô, bùi ngùi không sao quên được ký ức của một thời.
Gần 50 năm đất nước hòa bình, cuộc sống ngày một tốt hơn, những người cũ năm xưa lại có dịp gặp lại nhau trong ngày họp mặt. “Hạnh phúc lắm, mừng lắm, còn khỏe là phải sắp xếp để gặp nhau”... là những câu nói được nghe nhiều nhất trong ngày hôm đó. Những cô cậu học trò ngày nào tuổi còn chưa tròn mười tám đôi mươi, những thầy cô khi đó với tinh thần đầy nhiệt huyết quyết đào tạo ra những lớp người tài cho quê hương đất nước, nay đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Những thế hệ học sinh hôm nay của mái trường THPT Tây Đô (Hậu Giang), THPT Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ) đã và đang tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của thế hệ học sinh Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng. Một sự nối dài rất đẹp giữa quá khứ và tương lai.
“Cô chú ngày trước đã góp sức mình cho giải phóng đất nước, các em ngày nay bay cao bay xa nhưng cũng phải có định hướng là góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, thầy chúc các em thành đạt như ý”, lời thầy Ngô Chi Lăng nhắn nhủ thế hệ học sinh Trường THPT Tây Đô và THPT Nguyễn Việt Hồng hôm nay!
Ngôi trường đào tạo nhiều học sinh ưu tú
Trong quá trình đào tạo, trường đã bồi dưỡng hơn 2.000 học sinh. Cựu học sinh ngày đó của trường đã và đang giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay thầy trò Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng đã được các cấp tặng thưởng trên 300 huân, huy chương các loại. Trong đó, có 123 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 71 Huân chương Chiến công, 41 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều huy chương, bằng khen cao quý khác.
Theo THANH NGÂN (Báo Hậu Giang)