Nhà vườn trồng bưởi da xanh huyện Long Mỹ thấp thỏm với giá bưởi hiện tại vì không có lợi nhuận.
Nông sản nghịch vụ giá còn hấp dẫn
Nếu như vào đợt cao điểm của dịch Covid-19 trước đó (khoảng tháng 3 và 4 vừa qua), nhiều nhà vườn tại các vùng trồng mít có quy mô lớn của tỉnh (tổng số hơn 5.000ha) như: huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy hay huyện Châu Thành A… phải rơi vào cảnh khó khăn khi thị trường xuất khẩu mít bị đình trệ, từ đó kéo theo giá bán giảm sâu chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg. Còn hiện tại, tuy cũng rơi vào tình cảnh giá mít giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế nhưng nông dân vẫn chấp nhận được vì giá bán còn ở mức có lợi nhuận cho nhà vườn.
Ông Dương Thanh Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đông Bình, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, cho hay: “Thương lái đang thu mua mít loại I tại vườn với giá 30.000 đồng/kg, loại II là 18.000 đồng/kg và mít dạt là 5.000-6.000 đồng/kg. So với cùng kỳ thì giá mít hiện tại đã giảm phân nửa ở từng loại. Tuy giá bán và nguồn thu nhập giảm do gặp khó về đầu ra vì dịch Covid-19, thế nhưng nhà vườn trồng mít vẫn hài lòng vì có được nguồn lợi nhuận. Chứ riêng đợt thu hoạch mít chính vụ lần trước và cũng rơi ngay vào đợt cao điểm của dịch Covid-19 nên người dân chỉ huề vốn và thua lỗ sau khi bán trái”.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giá mít đang giảm một nửa so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Thuận, sở dĩ giá mít vào thời điểm này hàng năm ở mức cao là do đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ của mùa nghịch nên sản lượng cung ứng ra thị trường rất ít, từ đó phần nào không gặp áp lực lớn khi gặp khó trong khâu xuất khẩu mà chỉ dành tiêu thụ trong nước. Hiện tại, toàn bộ 18ha mít của các thành viên HTX đều thu hoạch gần dứt điểm mùa mít, sản lượng còn lại rất ít. Không riêng gì ở HTX mà hầu hết nhà vườn trồng mít của thành phố Ngã Bảy và trên địa bàn tỉnh cũng gần hết nguồn cung mít chín, đa phần nông dân đang xử lý cho cây ra hoa và cho trái non. Vì vậy, tuy dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến người trồng mít nhưng mức độ không lớn như lần trước.
Giống như cây mít, nhà vườn trồng khóm Cầu Đúc tại hai vùng tập trung lớn của tỉnh là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ (hơn 2.000ha) cũng đang phần nào an tâm khi giá khóm vẫn duy trì ở mức hấp dẫn dù đã giảm nhẹ so với trước đó không lâu vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Vừa đếm xong hơn 500 trái khóm mới thu hoạch trên diện tích 5 công cho thương lái, bà Trần Thị Thảnh, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Dù đã giảm 2.000 đồng/trái so với thời điểm cách nay khoảng nửa tháng nhưng tôi vẫn rất mừng vì vừa bán khóm được giá 10.000 đồng/trái (loại I). Bởi, trước tình hình dịch Covid-19 mà giá khóm được ổn định như vầy thì nhà rẫy đỡ khổ. Chứ đợt dịch Covid-19 xuất hiện trước đó, giá khóm giảm xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/trái (loại I) thì bà con khó trăm bề”.
Theo nhận định của bà con trồng khóm Cầu Đúc trên địa bàn thành phố Vị Thanh, nguyên nhân giá khóm giữ vững ở mức cao như lúc này là do các cánh đồng khóm nơi đây đang vào mùa thu hoạch khóm nghịch cuối vụ nên sản lượng cung ứng cho thị trường ít. Mặt khác, năm rồi có nhiều rẫy khóm bị lão hóa do khai thác nhiều vụ nên bà con tiến hành cải tạo trồng mới lại, vì vậy lượng khóm tơ khá nhiều, kéo theo nguồn cung trái khóm ít. Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX khóm Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: Hiện tại, bình quân từ 2-3 ngày tôi mới gom được 1-1,2 tấn khóm của bà con xã viên và những hộ trồng khóm xung quanh để giao cho thương lái. Điều phấn khởi là lượng khóm có bao nhiêu thì được thương lái đến đem đi tiêu thụ hết bấy nhiêu và giữ ổn định ở mức giá cao. Nhờ vậy, người trồng khóm có được niềm vui về nguồn lợi nhuận để phần nào bù đắp lại thiệt thòi của đợt thu hoạch trước đó cũng rơi vào tình hình dịch Covid-19 như hiện nay.
Nhiều mặt hàng khó bán
Không thuận lợi như hai mặt hàng trên, nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi và bưởi da xanh của tỉnh đang rơi vào cảnh khó khăn hơn về thị trường đầu ra và giá bán giảm trong thời gian khoảng một tháng nay. Cụ thể, hiện bưởi Năm Roi được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg (cân xô không lựa), trong khi mọi năm lúc này là phải hơn 20.000 đồng/kg. Ngoài việc giá bán giảm thì theo nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi tại huyện Châu Thành, để kiếm được thương lái đồng ý mua bưởi Năm Roi trong lúc này không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, những vườn bưởi nào có trái chín quá lứa thì bà con tiến hành hái bán lẻ tại địa phương hoặc đem ra chợ. Đối với mặt hàng bưởi da xanh, tuy thị trường tiêu thụ đang có phần thuận lợi hơn nhưng giá bán cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm phân nửa so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Trọng Nhất, một thương lái đang mua bưởi cho nông dân ở huyện Châu Thành, thông tin: “Do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nên thị trường xuất khẩu của mặt hàng bưởi gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, thị trường tiêu thụ trong nước đang chiếm chủ yếu nhưng nhu cầu cũng không lớn, từ đó kéo theo giá thu mua tại vườn giảm mạnh trong lúc này”. Chia sẻ về giá bưởi da xanh hiện tại, ông Trần Thanh Bình, hộ có 7 công bưởi đang trong giai đoạn thu hoạch luân phiên ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho rằng: “Để có được trái bưởi da xanh bán cho thương lái thì nhà vườn tốn không ít công chăm sóc và chi phí đầu tư vì loại cây trồng này tương đối khó từ lúc cây ra hoa đến thu hoạch. Với giá bưởi 25.000 đồng/kg thì nhà vườn coi như huề vốn chứ không có lời. Tuy nhiên, trong làm ăn thì có lúc này, lúc khác nên nhà vườn phần nào chia sẻ với thương lái. Hy vọng, giá bưởi trong thời gian tới được cải thiện hơn để nông dân có được nguồn lợi nhuận mà đầu tư cho loại cây đặc sản này của địa phương”.
Bên cạnh cây bưởi thì người nuôi ba ba và cua đinh thịt trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó khăn tương tự về thị trường đầu ra và giá bán. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ trang trại ba ba và cua đinh Lâm Nguyệt, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho hay rằng sản phẩm của trang trại chủ yếu hợp tác xuất khẩu sang nước ngoài để tiêu thụ. Vì vậy, do tình hình dịch Covid-19 không thể xuất khẩu được nên mấy tháng qua toàn bộ 0,8ha ao nuôi ba ba, cua đinh của các thành viên trong trang trại, cũng như những hộ nuôi bên ngoài đều nằm chờ mà không có đối tác nào đến thu mua. “Trước tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài và không biết khi nào kết thúc như thế này thì đang tạo ra sự lo lắng rất lớn cho bà con. Riêng gia đình tôi, mỗi ngày tốn hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn cho ba ba và cua đinh. Nếu tình cảnh này còn kéo dài thì tôi và bà con gặp rất nhiều khó khăn”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc vận chuyển các lô hàng, nhất là trái cây tươi xuất khẩu ngày càng gặp khó. Vì vậy, thay vì chịu cảnh bấp bênh trước dịch bệnh và sớm tháo gỡ khó khăn cho nông dân thì việc thay đổi hình thức xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm trái cây đã qua chế biến được xem là một hướng đi đầy tiềm năng cho doanh nghiệp và ngành chức năng suy nghĩ trong thời gian tới...
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)