OCOP và chuỗi liên kết tiêu thụ

23/06/2020 - 10:24

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) không những làm sống lại những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống mà còn kích thích sự sáng tạo trong cộng đồng dân cư từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã lần lượt ra đời và không ít sản phẩm tạo được tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các sản phẩm OCOP rất cần được gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ.

Trong sản xuất, kinh doanh, bất kỳ một sản phẩm nào muốn được nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng thường xuyên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, mẫu mã thì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại là không thể thiếu và OCOP cũng không là ngoại lệ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như: bánh pía, gạo ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị, hành tím Vĩnh Châu… Đơn cử như gạo Tài nguyên Thạnh Trị, được sự quan tâm của địa phương và ngành nông nghiệp thông qua chương trình phục tráng giống, xây dựng quy trình sản xuất an toàn và đặc biệt là tâm huyết của anh Lý Khoa - chủ doanh nghiệp Châu Hưng khi bỏ công sức, tiền của ra để xây dựng và được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho gạo Tài nguyên Thạnh Trị.

Chế biến chả cá rô phi nước lợ tại Hợp tác xã Hòa Đê. Ảnh: TÍCH CHU

Câu chuyện về quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Thái Lan mà người viết có dịp sang tận nơi để tham quan từ năm 2007 đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Tuy không nằm trong chương trình tham quan 5 ngày trên đất Thái Lan nhưng người hướng dẫn viên của công ty du lịch vẫn bố trí được thời gian để chúng tôi đến tham quan siêu thị làng nghề ngay tại thủ đô Băng Cốc. Siêu thị cũng không quá hoành tráng nhưng có sự góp mặt của hầu hết các sản phẩm làng nghề của Thái Lan, kể cả các món ăn truyền thống mà du khách có thể thưởng thức ngay tại siêu thị. Các gian hàng OCOP trong siêu thị này chẳng những được hưởng ưu đãi về thuế từ Chính phủ mà còn được sự hỗ trợ rất lớn từ các công ty du lịch hoạt động trên đất Thái Lan, kể cả công ty du lịch nước ngoài. Chính sự quảng bá, xúc tiến thương mại gắn với liên kết tiêu thụ chặt chẽ này đã giúp các sản phẩm làng nghề của Thái Lan tồn tại và phát triển.

Tỉnh Sóc Trăng cũng rất nhạy bén khi cho ra mắt cửa hàng giới thiệu – liên kết – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng vào ngày 29-1, tại Khu du lịch tâm linh chùa Chén Kiểu (Mỹ Xuyên), với hàng trăm sản phẩm OCOP đến từ các làng nghề trong tỉnh. Từ đây, du khách từ các nơi biết và bắt đầu quan tâm sử dụng các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như: gạo thơm, gạo thực phẩm chức năng ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị; hành tím Vĩnh Châu; trà mãng cầu Ngã Năm; các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc, các sản phẩm tinh chế từ đông trùng - hạ thảo, tổ yến từ huyện Kế Sách; các sản phẩm chế biến từ sữa bò của huyện Trần Đề; các loại cá khô, khô trâu, mắm cá… với bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt cùng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cao.

Có thể nói, sản phẩm OCOP của tỉnh hiện rất đa dạng, phong phú và có tính đặc thù cao, tập trung chủ yếu vào 2 thế mạnh của tỉnh là nông và thủy sản. Đây được xem là một trong những lợi thế không nhỏ cho sản phẩm OCOP Sóc Trăng khi xâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào năng lực sản xuất, sức tiêu thụ, hiện chỉ mới có một vài sản phẩm được thị trường biết đến nhiều và có sức tiêu thụ mạnh như: Gạo ST, bánh pía, lạp xưởng, trà mãng cầu, bánh phồng tôm… Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất của các cơ sở OCOP còn nhỏ lẻ, rời rạc và chưa hình thành được chuỗi liên kết với các hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tại các hội nghị, diễn đàn chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản tổ chức trong và ngoài tỉnh, người viết vẫn thường bắt gặp một số gian hàng OCOP đến từ huyện, thị xã: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Ngã Năm, Cù Lao Dung… với các sản phẩm đặc trưng như: chả cá rô phi, mắm cua gạch, trà mãng cầu, tôm khô một gió… Điểm chung nhất của các gian hàng này là nhỏ và cách bày trí chưa được bắt mắt cho lắm nên số lượt người đến tham quan, tìm hiểu cũng không nhiều. Không nói đâu xa, mới hôm 11-6, tại Diễn đàn ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành tôm nước lợ tổ chức tại Sóc Trăng, Hợp tác xã Hòa Đê (Hòa Tú 1) và cơ sở Thiên Hương cũng trưng bày 2 sản phẩm chủ lực là chả cá rô phi và mắm cua gạch với quy mô và cách tiếp cận hết sức khiêm tốn.

OCOP đang giúp sống lại các làng nghề truyền thống và kích thích sự sáng tạo để đa dạng hóa sản phẩm nhưng OCOP sẽ khó có thể đứng vững trên thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt như hiện nay nếu không có quy mô đủ lớn và gắn kết được với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, sản phẩm OCOP cần được quảng bá nhiều hơn, xúc tiến thương mại nhiều hơn mà điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ từ phía các bộ, ngành và Chính phủ. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ… cần có chính sách ưu đãi trong giai đoạn đầu để sản phẩm OCOP có mặt trong hệ thống bán hàng này, nhằm giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP.

Chúng ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nên việc khơi thông dòng chảy Chương trình OCOP thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cho sản phẩm OCOP được xem là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đây cũng là lời giải cho bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân nhưng đồng thời vẫn phát huy được giá trị truyền thống của địa phương.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)