Ông giáo Cần - Người chiến sĩ cách mạng quả cảm

10/01/2022 - 10:20

Tại phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An có tuyến đường được đặt tên Nguyễn Thanh Cần, giao nhau với đường Huỳnh Việt Thanh và đường Huỳnh Văn Gấm. Liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là Trưởng ty Giáo dục Tân - Mỹ - Gò (nay là tỉnh Long An), Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tuy nhiên, chưa nhận nhiệm vụ mới được bao lâu thì ông bị giặc sát hại tại nhà vào năm 1954. Điều đó gây phẫn nộ lớn trong giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

A A

Liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần sinh năm 1920 ở xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa. Khi còn nhỏ, ông được gia đình cho theo học trường Pháp, trở thành giáo viên. Rất giỏi tiếng Pháp nên sau khi tham gia hoạt động cách mạng, ông thường đảm nhận nhiệm vụ thông dịch viên cho lãnh đạo tỉnh thời bấy giờ. Ông rời nhà tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945. Lúc đó, ông Nguyễn Thanh Cần được bạn bè, đồng đội gọi bằng cái tên thân thuộc là “ông giáo Cần” vì xuất thân là giáo viên.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần

Từ năm 1950, ông được phân công làm Trưởng ty Giáo dục Tân - Mỹ - Gò (3 trưởng ty ở 3 tỉnh bạn Gò Công, Mỹ Tho, Sa Đéc đều được xếp làm phó trưởng ty). Từ 1951 - 1954 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành Giáo dục. Năm 1951, Trung ương cục miền Nam chỉ đạo về tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc; đồng thời, chỉ đạo huyện Mộc Hóa làm tốt công tác căn cứ địa, bảo vệ an toàn các cơ quan kháng chiến, tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế và văn hóa. Thầy và trò trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười cùng nhau bảo vệ trường lớp, cùng nhau tổ chức việc học theo tinh thần “địch đến ta đánh, địch đi ta học”. Trong khi đó, địch vẫn tăng cường càn quét, chia cắt các vùng du kích, gom dân, bắt lính,...

Bên cạnh dạy cho các em nhỏ, những đoàn xóa mù chữ cũng được thành lập, thầy, cô giáo lội sình, băng rạch, đem chữ đến cho dân. Năm 1954, khó khăn vơi bớt, các đoàn xóa mù chữ tạm dừng. Đây cũng là thời điểm “ông giáo Cần” nhận nhiệm vụ Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy bí mật Tân An. Ngày 27-11-1954, ông hy sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Khải biết về cha (liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần) qua lời kể của mẹ. Vì muốn tiếp nối cha, ông làm việc trong lĩnh vực giáo dục đến ngày nghỉ hưu

Ông Nguyễn Hoàng Khải - con trai của liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần, kể, từ ngày nhỏ, ông đã được mẹ kể lại về sự hy sinh của cha. Trong một chuyến công tác năm 1954, liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần ghé về thăm nhà (khi đó ông Khải mới là cậu bé 4 tuổi). Do bị mật thám phát hiện nên chẳng bao lâu sau địch đã tràn tới sân nhà. Đứng trước mặt kẻ thù, ông giữ tấm lòng kiên trung, không khuất phục. Chúng bắt và sát hại ông ngay tại nhà, trước mặt vợ và các con ông. Sau đó, chúng tiếp tục càn quét, bắt và sát hại nhiều chiến sĩ cách mạng khác: Tám Tấn, Bảy Thiên,... Điều đó gây ra làn sóng phẫn nộ trong người dân, đặc biệt là giới trí thức tiến bộ tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sau khi liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh có gửi thư chia buồn cùng gia đình nhưng rất tiếc, bức thư ấy không thể giữ được đến hôm nay. Ông Khải nói: “Sau một thời gian giết hại cha tôi, giặc lại tiếp tục làm khó gia đình. Nhà bị đốt, mẹ tôi phải dắt díu mấy anh em tôi lên Tân An tạm lánh. Bức thư Bác gửi cho gia đình cũng cháy trong lần đó. Đi theo con đường của cha tôi, anh chị tôi vừa đi học, vừa làm giao liên cho cách mạng. Tôi và chị thứ ba thì theo ngành Giáo dục cho tới sau này”.

Liệt sĩ Nguyễn Thanh Cần là chiến sĩ cách mạng quả cảm, khi đối diện với kẻ thù, ông quyết không lùi bước. Ông là tấm gương sáng về tinh thần vì nước, vì dân của người chiến sĩ cách mạng. Với những chiến công của mình, liệt sĩ được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất./.

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)