Tăng đầu tư thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

19/03/2021 - 09:31

Đầu tư vốn phát triển cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL thời gian gần đây được cải thiện đáng kể, từng bước giúp các địa phương trong vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nhằm đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững...

Công trình thủy lợi hơn 3.300 tỉ đồng xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé, giúp ngăn mặn, điều tiết nước phục vụ sản xuất cho đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều khởi sắc

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách… Trong đó, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, với chủ trương thuận thiên đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương… Thực tế cho thấy đã có nhiều chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển ĐBSCL, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, dịch vụ vận tải… Qua đó, góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế. “Chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh theo hướng liên kết vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối hạ tầng nội vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Thống kê sơ bộ đã có 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỉ đồng được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với ĐBSCL để thực hiện liên kết, kết nối hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết 120…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua đã ưu tiên thực hiện 4 lĩnh vực then chốt gồm: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng chống xói lở bờ biển, bờ sông; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu. Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành trình Chính phủ hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL hơn 6.622 tỉ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh. Đối với nghiên cứu giống cũng có những kết quả khích lệ khi hiện nay toàn vùng ĐBSCL sử dụng giống lúa xác nhận lên đến 75%, dự kiến năm 2025 tăng lên 90% và năm 2030 là 100%, góp phần tích cực nâng chất lượng hạt gạo và tăng cao về giá trị khi xuất khẩu ra thế giới.

Vấn đề trăn trở nhiều năm qua của ĐBSCL là hệ thống giao thông chưa đồng bộ, khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chia sẻ: Thấy được hạn chế này nên giai đoạn từ năm 2016-2021 Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư 31 dự án, công trình giao thông ở ĐBSCL với tổng vốn 88.963 tỉ đồng. Đến nay có 14 dự án hoàn thành nâng cấp và xây mới 281km đường quốc lộ, cùng những cây cầu lớn như Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi… Hoàn thiện 46,5km luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28km kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 vốn 41.474 tỉ đồng. Hiện có 14 dự án đang thực hiện như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, hoàn chỉnh luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tiếp tục nâng cấp kênh Chợ Gạo… với tổng vốn 40.494 tỉ đồng. Có thể nói, khi các dự án giao thông đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Song, nhìn chung giao thông ĐBSCL còn yếu, chưa đột phá, chưa liên kết được nhiều về liên vùng. Đây là những hạn chế cần đầu tư trong thời gian tới.

Cầu Vàm Cống thông xe vào tháng 5-2019, tạo trục giao thông đường bộ từ miền Tây đi Thành phố Hồ Chí Minh được thông suốt.

Dành 388.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021-2025

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án ở ĐBSCL (do địa phương quản lý) khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020; trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương khoảng 162.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua các Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, NN&PTNT... để triển khai các công trình dự án ở ĐBSCL khoảng 121.000 tỉ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 ở ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng. Có thể nói, với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ khác. Đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2025 cho ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD. Với quy mô vốn này sẽ hoàn thành được các công trình như đường ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; xây hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên... Tuy nhiên, số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, khi giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo, bởi giao thông có chức năng mở đường cho nền kinh tế. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 ở ĐBSCL, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỉ đồng, tăng cao so nhiệm kỳ qua là chỉ 29.000 tỉ đồng. Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp tốt với các địa phương ĐBSCL trong thực hiện để đến năm 2025 tình hình giao thông trong vùng thay đổi rõ rệt, góp phần chuyển đổi và phát triển bền vững. Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, dù mới khởi công gần đây, nhưng Bộ quyết tâm và chỉ đạo sâu sát để tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được hoàn thành trong năm 2022. Bên cạnh đó sẽ xúc tiến dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ và Sóc Trăng...

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Cái khó của ĐBSCL hiện nay là chưa có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế. Cụ thể, đường hàng không thì sân bay Cần Thơ chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistic hàng không. Cảng quốc tế Cái Cui Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn, nhưng không có hàng hóa thông quan. Thành phố Cần Thơ kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp về vấn đề này.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho rằng trong giai đoạn 2015-2020 đã huy động khoảng 2,2 tỉ USD cho các hoạt động trong khu vực ĐBSCL, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. “Trong tương lai chúng tôi sẵn sàng huy động thêm kiến thức và nguồn tài chính để thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển ĐBSCL. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ cho các cơ quan Trung ương, địa phương và các bên liên quan khác để giảm thiểu rủi ro, nắm bắt cơ hội do biến đổi khí hậu. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2025 có hơn 60% các dự án đầu tư công sẽ được lồng ghép các yếu tố của biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng tin rằng, ĐBSCL là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân trong vùng đồng bằng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng. Với tư cách là các đối tác phát triển, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu…”, bà Carolyn Turk khẳng định.

Theo HƯNG TÂN (Báo Hậu Giang)