Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu của tháng 3-2020 ước đạt 549 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nếu tính chung cho quý đầu năm nay, thì toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt 1,54 tỉ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ.
Cần “liều thuốc trợ lực” giúp doanh nghiệp thủy sản vượt qua khó khăn hiện nay. Ảnh chụp tại trang trại nuôi tôm của một doanh nghiệp ở Bạc Liêu.
Báo cáo thống kê của VASEP cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, với Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam- kim ngạch trong quý đầu năm nay đạt trên 287,6 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ; Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam trên 275 triệu USD, giảm 2,8%; Liên minh châu Âu - EU (không bao gồm Anh) nhập khẩu từ Việt Nam trên 201 triệu USD, giảm 28,3%.
Đối với các thị trường khác: Trung Quốc- Hong Kong, Hàn Quốc và ASEAN đều ghi nhận kim ngạch sụt giảm trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc- Hong Kong đạt gần 151 triệu USD, giảm 36,9%; sang Hàn Quốc đạt gần 148 triệu USD, giảm 14,6%; sang ASEAN đạt trên 143 triệu USD, giảm 12,4%.
Lý giải của VASEP cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều nước phải phong tỏa, làm hoạt động thương mại đình trệ dẫn đến xuất khẩu sang các thị trường sụt giảm mạnh. Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Việc tiêu thụ chậm khiến việc thanh toán cũng bị trì hoãn, ảnh hưởng đến quay vòng vốn của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cũng cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã dẫn đến toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ách tắc.
“Khi bị ách tắc, thì người nông dân điêu đứng, doanh nghiệp cũng đình đốn vì không sản xuất sẽ có rủi ro rất lớn”, ông Phẩm nói và cho biết với thị trường EU và Mỹ, vào thời điểm tháng 2 và 3 hằng năm là giai đoạn thấp điểm trong giao dịch mua bán vì họ chờ sang tháng 4 và 5- thời điểm vào vụ tôm, có nguồn cung dồi dào, giao dịch mua bán có lợi hơn. “Không có COVID-19, thì đơn hàng ký kết vào thời điểm này cũng giảm, nhưng có COVID-19, tình trạng sụt giảm càng nghiêm trọng hơn” - ông Phẩm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, VASEP dự báo, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu thủy sản chắc chắn còn tiếp tục bị tác động giảm. “Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì vòng quay kinh doanh”, VASEP nhận định.
Trước bối cảnh trên, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho rằng, doanh nghiệp trong ngành rất cần Chính phủ, các bộ ngành liên quan hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn do COVID-19 thông qua chính sách kéo giảm chi phí cũng như tăng cường dòng vốn để hoạt động kinh doanh.
Thông qua VASEP, nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản cũng đã đồng loạt kiến nghị phía ngân hàng có những chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, VASEP cho biết, về vốn cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị ngân hàng áp dụng mức lãi suất phù hợp hơn, mà cụ thể áp dụng lãi vay 3-6,5% đối với các khoản vay Việt Nam đồng và 1,5-2,8% đối với các khoản vay USD.
Ngoài ra, VASEP cho biết, so với các năm trước, doanh nghiệp hiện phải gánh thêm nhiều khoản phí: phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí gởi hồ sơ (đặc biệt là phí báo có nước ngoài). Do đó, cần giảm hoặc loại bỏ những chi phí này để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản cũng đề xuất phía ngân hàng “nới lỏng” các điều kiện cho vay: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ. Đồng thời, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để cấp thêm hạn mức tín chấp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn; cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị được kéo dài thời gian trả nợ các khoản vay; giảm phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống cũng như phí dịch vụ thanh toán. Đây có thể xem là những “liều thuốc trợ lực” để giúp doanh nghiệp trong ngành thủy sản “cầm cự” nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo T.C (Báo Cần Thơ)