Từ ấu trùng ruồi lính đen, anh Sang tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho gà, vịt, cá
Từng theo học Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, anh Lê Phước Sang luôn trăn trở về vấn đề xử lý nguồn rác thải từ chế biến nông sản, nhất là mặt hàng xoài, khâu trở ngại nhất là người sản xuất, chế biến xoài chưa tìm được giải pháp xử lý hiệu quả. Từ mối quan tâm này, anh Sang đã nghiên cứu và nhận thấy ruồi lính đen có thể tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp, là tiềm năng mang lại giá trị xanh cho môi trường.
Sau khi tìm hiểu, khoảng đầu năm 2019, anh Sang bắt đầu thử nghiệm nuôi ruồi lính đen với quy mô khoảng 70m2 tại xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh. Tuy nhiên, theo anh Sang, để nhân cấy được đàn ruồi lính đen là việc vô cùng khó khăn bởi sinh vật này khó thích nghi với thời tiết nóng nên thời gian đầu thử nghiệm, đàn ruồi bị chết nhiều. Để khắc phục tình trạng thời tiết nóng, anh Sang sử dụng quạt phun sương làm mát cho ấu trùng phát triển tốt. Ngoài ra, anh Sang phải lặn lội nhiều nơi để tìm và chọn lọc nguồn con giống có chất lượng nhằm đảm bảo việc nuôi cấy.
Qua 1 năm thử nghiệm mô hình, nhận thấy việc nuôi rồi lính đen đã đi vào “guồng quay” ổn định, tháng 1/2020, anh Sang quyết chọn địa điểm tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh thuê đất, mở rộng diện tích nuôi ruồi lính đen. Với diện tích khoảng 5.000m2, anh Sang chia trang trại ra làm 5 khu vực phục vụ cho quy trình sản xuất: nhập nguyên liệu chế biến, nuôi ấu trùng, xử lý phân, chứa nguyên liệu sau chế biến, khu chăn nuôi. Mỗi ngày, trang trại thu mua 6 - 10 tấn rác thải phụ phẩm từ chế biến xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh.
Theo anh Sang, ruồi lính đen là sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Thức ăn của loài sinh vật này chủ yếu từ các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa... Vòng đời của ruồi lính đen chỉ kéo dài khoảng 40 ngày và chia ra 5 giai đoạn: trứng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng, ruồi trưởng thành. Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao. Trong đó, gồm 43 - 51% protein, 15 - 18% chất béo, 2,8 - 6,2% canxi, 1 - 1,2% phốtpho... đảm bảo dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi cho gà, vịt, heo. Ấu trùng ruồi lính đen cũng là thức ăn để nuôi các loại thủy sản như: tôm, cua, cá, lươn, ếch...
Hiện tại, Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota đã sử dụng ấu trùng làm thức ăn cho gà, vịt với tổng đàn hơn 2.000 con. Anh Sang cũng tận dụng ấu trùng trộn với cám ép ra viên làm thức ăn cho đàn cá trê, cá rô... Mỗi tháng, trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota cung ứng cho thị trường khoảng 3 - 4kg trứng ruồi lính đen (10gram trứng có thể cho ra 20 - 40kg ấu trùng); đồng thời cung ứng khoảng 5 - 7 tấn phân ruồi lính đen. Khách hàng chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc. Ngoài ra, anh Sang còn dùng phân hoai mục cho ruồi để ủ vi sinh hoai mục, bán cho nông dân địa phương bón cây. Từ mô hình này anh đã giải quyết việc làm cho 8 lao động tại địa phương.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thu mua phế phẩm xoài, mở rộng diện tích nuôi ấu trùng nâng cao năng suất sản xuất. Đồng thời triển khai các giải pháp nhằm tìm thêm thị trường mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ ruồi lính đen”- anh Sang nói thêm.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết: “Là địa phương có diện tích canh tác nông sản lớn, nhất là mặt hàng xoài, nên nếu áp dụng tốt mô hình nuôi ruồi lính đen sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi của Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota đã tạo ra luồng gió mới cho việc chăn nuôi theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để tạo ra giá trị bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ đơn vị trong việc đăng ký chất lượng sản phẩm, thương hiệu và thiết kế bao bì nhãn mác...”.
Theo TRANG HUỲNH (Báo Đồng Tháp)