Triển vọng nuôi tôm công nghệ cao ở ĐBSCL

08/12/2020 - 10:18

Vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước. Riêng 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng có một số doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nuôi tôm công nghệ cao. Hiện đã có mô hình ứng dụng phù hợp quy mô nhỏ trong cộng đồng.

Triển vọng mới

Nuôi tôm lót bạt đáy, ứng dụng công nghệ cao tại Sóc Trăng.

Nhiều năm qua vùng nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển ĐBSCL có các mô hình nuôi tôm phổ biến như quảng canh, bán thâm canh. Trong đó có nhiều mô hình cải tiến tăng năng suất và giảm rủi ro dịch bệnh được người nuôi tôm áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp (DN) đầu tư nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao - một lĩnh vực hoàn toàn mới nhằm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao hiệu quả, giá trị tôm nuôi.

Hiện nay ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu có vùng nuôi tôm nước lợ hơn 186.000ha. Đây là 2 địa phương có DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh với quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Theo xu hướng mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh và sử dụng vi sinh, đảm bảo theo tiêu chuẩn tôm sạch. Trong đó, đáng kể có mô hình nuôi tôm lót bạt đáy, tỷ lệ thành công trên 90%, đã có một số trang trại chuyển đổi theo mô hình từ ao nuôi đất sang ao lót bạt bờ hay ao lót bạt đáy.

Hơn 3 năm qua, mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ở Sóc Trăng chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm. Năng suất, sản lượng tôm thu hoạch tăng lên gấp 2-3 lần. Nổi bật có trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu áp dụng kỹ thuật theo mô hình nuôi tôm lót bạt đáy thành công. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công là nhờ việc sử dụng dòng vi sinh bản địa do trang trại tự phân lập, nuôi cấy để đối kháng với các dòng vi khuẩn gây bệnh trên tôm. Trại tôm Tân Nam có hàng trăm ao nuôi tôm trên tổng diện tích 270ha, đạt tổng sản lượng nuôi của vụ 1 trong năm 2020 lên đến 1.000 tấn, cao gấp đôi so mục tiêu kế hoạch ban đầu đề ra.

Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn ao đất nhưng ưu điểm dễ quản lý dịch bệnh, môi trường ao nuôi. Nhờ đó rủi ro thấp, tôm lớn nhanh,  đồng đều nên được các hộ nuôi tôm tham khảo áp dụng.

Trong khi đó nuôi tôm công nghệ cao áp dụng theo mô hình ao nuôi nổi kiểm soát chất lượng nước, quản lý môi trường ao nuôi tốt và cần vốn đầu tư lớn hơn. Trong 2 năm qua, Công ty CP Thủy sản sạch VN (Viana Cleanfood) ở Sóc Trăng đầu tư trên 350 tỉ đồng đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp trên 140ha, với hàng trăm ao nuôi hình tròn nổi (trên mặt đất). Suất đầu tư mỗi ao nổi hàng trăm triệu đồng, được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ và lót bạt đáy. Một năm có thể thả nuôi 3 vụ, năng suất đạt từ 8-12 tấn/ha. Năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng dần theo từng năm. Dự kiến năm 2020 sản lượng đạt 2.500 tấn và năm 2021 sẽ đạt năng suất cao nhất, khoảng 3.500ha. Môi trường tôm nuôi đảm bảo từ khu xử lý nước ao lắng, lọc sạch trước khi đưa vào các ao nuôi tuần hoàn nước. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (chứng nhận tôm vào EU).

Nhân rộng mô hình

Theo nhận định của các DN đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật mới hình thành vùng nuôi sạch, kiểm soát chất lượng tôm bằng vi sinh không sử dụng hóa chất kháng sinh đang là bước tiến nhanh về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Có thể xem đây là bước chuyển lớn lần thứ 2 sau khi sản phẩm tôm của Việt Nam vượt trội hơn so với các nước trong khu vực về trình độ và công nghệ chế biến tôm giá trị gia tăng.

Tại Bạc Liêu, từ tháng 9-2019, Công ty Nuôi tôm Công nghệ cao Bạc Liêu áp dụng kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 52ha. DN này đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao rộng rãi mô hình nuôi tôm tiên tiến, phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ nuôi tôm hiện nay.

Vừa qua tỉnh Bạc Liêu phổ biến chuyển giao kỹ thuật nhiều mô hình, cách làm mới trong nuôi tôm công nghệ cao và xúc tiến nhanh dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 100ha, tổng vốn đầu tư 175 tỉ đồng. Tỉnh Bạc Liêu định hướng kết nối chuỗi sản xuất cung ứng tôm nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh (tổng công suất gần 135.000 tấn), kỳ vọng sản lượng tôm xuất khẩu sẽ tăng vượt mức 60.000 tấn/năm.

PGS.TS Châu Tài Tảo, Giảng viên cao cấp Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: ĐBSCL có hướng chuyển đổi áp dụng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng năng suất, phổ biến nhất là nuôi tôm trong ao lót bạt. Ưu điểm có thể nuôi 4-5 vụ/năm, nuôi trong nhiều giai đoạn, có thể từ 2-4 giai đoạn. Năng suất có thể đạt 50-60 tấn/ha. Mô hình nuôi tôm này có thể quản lý, kiểm soát nhiệt độ, độ pH và các chỉ tiêu môi trường. Diện tích ao nuôi nhỏ, chiếm chỉ khoảng 20%, còn lại phần lớn diện tích dành cho ao xử lý nước, chất thải nên kiểm soát tốt chất lượng nước. Mô hình đạt hiệu quả cao và tỷ lệ rủi ro giảm thấp do kiểm soát tốt các chỉ tiêu môi trường nước nên phù hợp cho người có vốn đầu tư chuyển từ nuôi tôm trong ao đất sang mô hình nuôi tôm lót bạt.

 

Theo HỮU ĐỨC (Báo Cần Thơ)