Xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long: Nỗ lực vượt khó

17/08/2020 - 08:46

Đầu tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) có hiệu lực. Đây được xem là cơ hội tốt cho nhiều sản phẩm thủy sản ở ĐBSCL thâm nhập vào thị trường lớn EU, với những ưu đãi về thuế suất. Tuy nhiên, vẫn có không ít khó khăn, thách thức đặt ra về chất lượng, xuất xứ hàng hóa...

Chế biến tôm xuất khẩu hy vọng tăng tốc vào cuối năm. Ảnh: H.THU

Nhiều khó khăn

Thời gian qua, xuất khẩu cá tra là thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL, thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay tình hình sản xuất và tiêu thụ ảm đạm khiến người nuôi cùng doanh nghiệp khốn khó. Ông Cao Lương Tri, hộ nuôi cá tra ở thành phố Long Xuyên (An Giang), thở dài: “Gia đình tôi còn gần 500 tấn cá tra hiện đã quá lứa thu hoạch rất lâu, bình quân cá có trọng lượng tới 1,5-2 kg/con, nhưng chưa thể bán được, bởi các nhà máy rất chậm thu mua. Tình hình này càng kéo dài, người nuôi càng lỗ nặng”. Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho hay, hiện nay giá cá tra tiếp tục duy trì ở mức thấp khi dao động chỉ từ 17.500-19.000 đồng/kg (tùy loại), với mức này người nuôi chịu lỗ từ 3.500- 5.000 đồng/kg.

Ở Hậu Giang, người nuôi cá tra cũng gặp khó về đầu ra và giá cả, nhất là giá cá tra duy trì ở mức thấp nhiều năm liền làm cho người nuôi cá đuối sức. Nhiều hộ nuôi cá tra ở HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho rằng với giá cá tra hiện tại thì người nuôi càng kéo dài thì càng lỗ nặng. Hiện tại, nhiều hộ đã treo ao hoặc cắt cử thức ăn chờ giá lên rồi mới tính tiếp. Trong khi lúc giá cá đỉnh điểm lên hơn 30.000 đồng/kg cá thương phẩm thì giá thức ăn lên mức  hơn 12.000 đồng/kg, còn hiện tại giá cá tra chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn cũng chừng ấy thì người nuôi chỉ có lỗ vốn. Trong khi để nuôi được 1kg cá thương phẩm phải tiêu tốn 1,5kg thức ăn, chưa kể tiền mua con giống, thuốc và các chi phí khác. Nếu giá cá ở mức này mà giá thức ăn không giảm thì người nuôi khó cầm cự nỗi.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho rằng thị trường xuất khẩu cá tra gần đây giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó làm cho lượng hàng bị ùn ứ, đối tác hạn chế đặt hàng nên giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Do nguồn cung cho xuất khẩu bị hạn chế kéo theo việc thu mua cá tra nguyên liệu ở các hộ nuôi sẽ chậm lại làm cho thị trường tiêu thụ mặt hàng này gặp khó khăn. Trong khi lượng tiêu thụ cá tra nội địa thì không đáng kể, chủ yếu là phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, trong tháng 7, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục giảm so tháng trước. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ở những thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, các nước EU, Nhật Bản... đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ cao đối mặt với làn sóng bùng phát dịch lần 2 khiến các doanh nghiệp nước ta gặp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Dự báo giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng tới cũng sẽ không tăng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020 toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cá tra thương phẩm dao động ở mức từ 19.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn chi phí giá thành nhiều. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo lắng: “Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến tận hôm nay khiến người nuôi lỗ; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự. Điều đáng lo không kém là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ì ạch. Thế là nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được”. Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt, bộc bạch: “Ngành cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng Nam Việt vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”.

Đối với con tôm dù dễ thở hơn nhưng thời gian qua vẫn gặp những trở ngại nhất định. Theo Bộ NN&PTNT, điều kiện nuôi tôm ở ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 không thuận lợi bởi hạn mặn gay gắt, cộng với xuất hiện một số cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm khá cao làm ảnh hưởng nhiều vùng nuôi. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu tôm cũng lắm gian nan bởi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới gây ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhìn nhận, việc tiêu thụ tôm ở thị trường Trung Quốc sụt giảm do tác động dịch Covid-19. Mặt khác, thông thường hàng năm những khách hàng truyền thống ở châu Âu sang Việt Nam thăm nhà máy và xem xét ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, đến nay không ít khách hàng đã hủy lịch sang, đồng nghĩa với hợp đồng mới bị giảm. Do tình hình xuất khẩu chậm đã kéo giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL giảm khoảng 20% so với cùng kỳ…

Tăng tốc vào cuối năm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu tôm thời điểm đầu năm chựng lại do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên theo dự báo sẽ phục hồi sau đó và tăng tốc vào thời điểm cuối năm 2020. VASEP phân tích, xuất khẩu tôm sang EU năm 2019 dù có giảm; song cần thấy rằng Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8-2020, khi đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào EU được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; thuế nhập khẩu tôm chế biến cũng về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Lợi thế là khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường rộng nên đủ để các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hệ thống phân phối. Từ đó, dự báo xuất khẩu tôm sang EU tới đây sẽ khả quan nhờ ưu đãi thuế quan và chúng ta có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Dự kiến năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng khoảng 15%, đạt 800 triệu USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP lưu ý thêm, về lợi thế cạnh tranh nhập khẩu vào EU so với các nước khác, có thể thấy lợi thế rõ rệt là tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh xuất khẩu, khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm thẻ đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm; trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%; Ecuador thuế cơ bản 12%... Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các địa phương cần quan tâm việc EU cấm sử dụng chất Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản; các nhà máy phải có trách nhiệm và biện pháp kiểm tra tồn dư Ethoxyquin nhằm đảm bảo không có chất này. Ngoài ra, các nhà máy phải cho biết nếu không sử dụng Ethoxyquin thì bên cung cấp thức ăn sử dụng chất nào để chống oxy hóa và chất mới này có chứa thành phần độc hại nào hay không. Quy định mới này sẽ gây thêm áp lực về ghi nhận và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc thay thế thành phần chống oxy hóa trong thức ăn có thể khiến cho giá thức ăn và giá thành sản xuất tăng lên.

Tại Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với hơn 280.000ha, sản lượng hơn 190.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD/năm… Sở NN&PTNT tỉnh này nhận định, cùng với những thuận lợi khi EVFTA có hiệu lực thì dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới sẽ tăng, trong khi một số nước nuôi tôm bị thiệt hại sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng tốc. Song, cũng cần ứng phó với những rào cản từ Hiệp định EVFTA như nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc truy suất nguồn gốc… Do đó, tỉnh yêu cầu các huyện, hợp tác xã, người nuôi cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt chứng nhận tiêu chuẩn nuôi an toàn (như VietGAP, GlobalGAP, ASC…) theo quy định.

Về xuất khẩu cá tra, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị các doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU, sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ hiệp định EVFTA. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu, nhà máy chế biến, cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. Khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi liên kết để sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ở thị trường EU cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người nuôi về các quy định tại EVFTA; việc thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung vào chất lượng con giống, cần tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống như sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin, ương trong nhà mát để tăng sức đề kháng cho cá giống, nâng cao tỷ lệ sống và hiệu quả sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ, hậu bị, giống có chất lượng… Để ngành cá tra phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội cũng như thách thức khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thì việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao; thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho Nghị định liên quan về cá tra phát huy tác dụng. Tính toán xây dựng dòng sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng tốt nhất cho thị trường lớn EU…

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)