Ngày càng khan hiếm
Hàng năm, khi con nước tràn về, người dân vùng lũ lại chuẩn bị dụng cụ đánh bắt thủy sản. Hầu như nhà nào cũng sắm cho mình tay lưới, luồng câu, cái lọp để đánh bắt, cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập.
Cá khan hiếm, 300 cái lọp của ông Nguyễn Văn Trưởng 2-3 ngày chỉ kiếm được 2-3kg cá
Theo nhiều người làm nghề đánh bắt cá lâu năm, chưa bao giờ cá khan hiếm như năm nay, mặc dù nước lũ về sớm. Gắn bó với nghề đặt lọp vào mùa nước nổi cả chục năm qua, ông Nguyễn Văn Trưởng, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, cho biết: “Bình thường, cứ đến tầm tháng 7 âm lịch hàng năm là lũ về, cá đầy đồng. Năm nay, lũ về sớm và cao hơn mọi năm, nhưng lượng cá lại không nhiều. Tôi đặt 300 cái lọp, 2-3 ngày chỉ thu về được 2-3kg cá (lóc, phi, rô,...), bán được chỉ hơn 100.000 đồng. Trong khi đó, những năm trước, mỗi ngày bắt cả chục kilôgam cá, bán được 300.000-500.000 đồng”.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tư, quê ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nhà nghèo, không đất sản xuất. Mùa khô, gia đình anh làm mướn kiếm sống, đến mùa nước nổi, sang xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng đánh bắt cá. Năm nay cũng vậy, anh chị qua Vĩnh Hưng từ giữa tháng 8, nhưng chưa đánh bắt được bao nhiêu. “Gia đình tôi sống được nhờ mùa nước, năm nay cá ít như vầy... chắc “đi đứt” một mùa làm ăn nữa rồi!” - anh Tư buồn rầu.
Do lượng cá tự nhiên ít nên những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở các huyện đầu nguồn của tỉnh chỉ đánh bắt cầm chừng. Dạo quanh một số chợ ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, lượng cá đồng rất ít. Theo các tiểu thương, năm nay, cá đồng ra chợ rất ít, chỉ có một số loại: Cá chốt, cá thiểu, lóc, trê, dảnh trắng, rô, linh,... Do lượng cá khan hiếm nên giá bán tăng khoảng 30-40% so với các năm trước, hiện giá cá lóc, cá trê từ 100.000-120.000 đồng/kg, cá chốt từ 50.000-70.000 đồng/kg và cá rô, cá linh 60.000-70.000 đồng/kg.
Người nuôi thủy sản mùa lũ gặp khó
Những năm qua, việc nuôi thủy sản trong mùa lũ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng lũ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, việc nuôi thủy sản gặp khó khăn do nguồn cá tạp ngày càng khan hiếm.
Người nuôi cá cũng gặp không ít khó khăn do nguồn cá tạp ngày càng ít dần
Hàng năm, cứ khoảng tháng 5, ông Nguyễn Thành Sơn, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, lại làm vèo ươm cá giống. Khoảng 2 tháng sau, khi cá phát triển, ông tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ cá tạp cho cá nuôi ăn. Đến khoảng tháng 10, 11, khi nước lũ rút cũng là lúc thu hoạch cá nuôi. Mùa lũ năm nay, ông thả nuôi 40.000 con cá lóc bông. Hơn chục năm nuôi cá nhưng chưa năm nào ông Sơn thấy khó như năm nay, bởi nước lũ cao nhưng lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi rất ít. “Mọi năm mùa lũ về, cá tạp nhiều, giá rẻ (2.000-3.000 đồng/kg), nhưng năm nay kiếm không ra, giá lại cao (8.000-10.000 đồng/kg). Để bảo đảm cho cá sinh trưởng và phát triển, tôi phải mua cá biển làm nguồn thức ăn cho cá nuôi, tính ra, chi phí cao gấp 2-3 lần so với năm trước” - ông Sơn nói.
Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm qua, theo kinh nghiệm của ông Dương Văn Tèo, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, thông thường, nuôi cá lóc khoảng 6-7 tháng, cá nặng từ 0,7-1,5kg. Những năm trước, vào mùa lũ, gia đình ông thả nuôi từ 40.000-50.000 con cá lóc, 3 năm gần, đây số lượng giảm dần; mùa lũ này, ông chỉ thả nuôi 10.000 con. Theo ông, do lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi ngày càng khan hiếm, phải mua với giá cao nên lợi nhuận thấp.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi cho biết: “Hàng năm, vào mùa nước nổi, xã có khoảng 100 hộ dân nuôi thủy sản, chủ yếu là cá lóc, cá bông, cá trê dưới hình thức nuôi vèo, bè. Mấy năm gần đây, do giá đầu ra bấp bênh, lượng cá mồi từ thiên nhiên khan hiếm khiến chi phí nuôi cao, nhiều hộ dân thua lỗ, buộc phải bỏ nghề. Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn còn khoảng 20 hộ dân nuôi cá trong mùa lũ, giảm 70-80% số hộ nuôi so với trước đây”.
Khai thác kiểu tận diệt
Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trong mùa lũ ngày càng khan hiếm do việc đánh bắt thủy sản trái phép (sử dụng xung điện, lưới có kích thước không đúng quy định,...). Dù các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, xử lý song vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này.
Tình trạng dùng xung điện đánh bắt thủy sản diễn ra khá phổ biến
Dọc theo các cánh đồng ở các huyện đầu nguồn của tỉnh như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường vào những ngày này, đâu đâu cũng có thể thấy hình ảnh những chiếc dớn (mắt lưới nhỏ) giăng như “ma trận”, phủ trắng các cánh đồng, hầu như tất cả các loài cá đều vào dớn chứ không thoát đi đâu được. Đang kiểm tra dớn vào sáng sớm, anh Đường, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, trước đây cá nhiều, mọi người chủ yếu bắt cá lớn để bán. Còn năm nay, cá khan hiếm quá nên cá nào cũng bắt. “Tôi biết đặt dớn bắt cá nhỏ thế này là vi phạm nhưng trên đồng đầy dớn, ai cũng đặt thì mình đặt theo”.
Thời điểm này, trên các tuyến kênh, rạch hay những cánh đồng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dùng xung điện để đánh bắt cá. Bình ắc-quy và bộ kích điện được nhiều người sử dụng để đánh bắt cá. Qua tìm hiểu, chỉ cần đầu tư 1-2 triệu đồng là có thể mua một bình ắc-quy 12V và một bộ kích điện để đánh bắt cá. Với cách đánh bắt này, các loại cá lớn, nhỏ đều bị hủy diệt. Không chỉ dùng bình ắc-quy nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả ghe, lưới để “quét sạch” các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày, người sử dụng xung điện bằng bình ắc-quy cầm tay có thể bắt cả chục kilôgam thủy sản các loại, còn sử dụng ghe cào điện thì số thủy sản bắt được nhiều hơn 3-5 lần.
Những cách khai thác kiểu tận diệt này làm nguồn lợi thủy sản trên các kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm và có nguy cơ cạn kiệt. Ông Lê Văn Thu, ngụ xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, cho biết: “Ngày trước, muốn ăn cá đồng chỉ cần giăng vài ba mét lưới là có cá ăn vài ngày, giờ tìm “đỏ con mắt” cũng chỉ được ít cá con. Rất nhiều người dùng xung điện để đánh bắt cá. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh hơn nữa để chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện và có giải pháp khôi phục nguồn lợi thủy sản”.
Dớn giăng như "ma trận" khắp các cánh đồng
Lũ về không những mang lại nguồn lợi kinh tế lớn từ việc bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, tháo chua, rửa phèn mà còn có cả nguồn lợi thủy sản. Song, để nguồn lợi này ngày càng dồi dào thì việc đánh bắt, khai thác phải vừa hiệu quả, vừa nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên ban tặng.
Theo Báo Long An