“Lục thum” của đồng bào Khmer

28/04/2023 - 10:34

Ông Lâm Nuôl quê ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nhưng đã chọn Cà Mau (Khóm 6, Phường 1, TP Cà Mau) để sống một cuộc đời sôi động, chung thuỷ vẹn tròn với con đường, lý tưởng cách mạng mà Bác Hồ, Ðảng đã lựa chọn cho dân tộc. Khi tìm thông tin, tư liệu để viết bài về đồng bào Khmer Cà Mau, tôi đã được nhiều người nhắc, kể về ông Lâm Nuôl với tấm lòng kính trọng sâu sắc.

A A

Mấy bận hẹn gặp, sức khoẻ ông Lâm Nuôl không ổn định, đi điều trị liên tục ở TP Hồ Chí Minh, về phải nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Hôm rồi, chị Lâm Xuân Hương (con gái ông Lâm Nuôl) gọi cho tôi nói: “Hôm nay ông khoẻ, ông nhắc sao anh nhà báo hẹn mà chưa qua?! Tánh ông là vậy, hễ hứa với ai rồi thì cứ canh cánh trong lòng!”. Tôi sang, trời tối, ông đã ngồi đó, quần áo chỉnh tề, bắt tay khách bặt thiệp, rồi rót trà mời khách.

Ông hay cười, thế nên nhìn gương mặt, khó ai đoán được ông đã ở tuổi 84. Ông nói ngay với khách: “Tôi hơi lãng tai, anh nhà báo nói lớn lớn giùm!”. Nhưng, suốt câu chuyện, chủ yếu là ông say sưa ôn lại những kỷ niệm, không hề khoe khoang về thành tích bản thân, mà là nhắc đến công lao của Bác Hồ, của Ðảng, đóng góp của đồng bào Khmer Cà Mau cho sự nghiệp cách mạng, những người đồng chí, đồng đội đã gắn bó máu thịt với ông trong từng chặng đường đã qua.

Ông Lâm Nuôl, người đã sống cuộc đời son sắt, trọn vẹn với sự nghiệp cách mạng; là “lục thum” của đồng bào Khmer Cà Mau.

Ông hỏi: “Anh nhà báo có biết Ðại đức Hữu Nhem không?”. Rồi không đợi khách trả lời, ông kể: “Ðại đức Hữu Nhem là người rất có uy tín, đấu tranh hết sức mạnh dạn. Thời Mỹ - Diệm, ông Hữu Nhem đem đầu đạn pháo bắn phá tại khu vực chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) lên gặp trực tiếp đại diện chính quyền Ngô Ðình Diệm để đấu tranh. Ông đập bàn, chỉ thẳng mặt bè lũ tay sai gây tội ác, nợ máu với đồng bào, giơ đầu đạn có in dòng chữ USA ra làm bằng cớ. Tụi giặc yếu thế, rối rít xin lỗi, kinh hãi trước khí chất của vị sư sãi Khmer!”.

Năm 1966, ông Lâm Nuôl về Cà Mau công tác ở Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, là Sư cả trụ trì chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Khi đó Ðại đức Hữu Nhem là Phó chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam, cùng sát cánh với nhau hoạt động. Ngày 10/7/1966, địch dùng máy bay AD6 “còng cọc” ném bom tại chùa Tam Hiệp, Ðại đức Hữu Nhem hy sinh trong trận đó, khi trú ẩn dưới căn hầm trong chánh điện chùa Tam Hiệp.

Mỹ và bè lũ tay sai biết tấm lòng son sắt của đồng bào Khmer Cà Mau với cách mạng nên tìm mọi thủ đoạn thâm độc để chia rẽ, lôi kéo. Trong bộ máy của chính quyền cũ tại Cà Mau, chúng lập ra Ty Miên vụ, trực tiếp triển khai các chính sách phản cách mạng. Chúng cưỡng ép, chiêu hồi, bắt lính, mị dân về đường lối kháng chiến cách mạng, dồn người Khmer về thị xã Cà Mau để dễ bề thao túng.

Trong bối cảnh đó, ông Lâm Nuôl cho biết: “Cách mạng lấy dân làm gốc, còn Nhân dân thì nguyện sống chết cùng cách mạng, bà con Khmer của Cà Mau giữ rất vững tinh thần ấy, bám đất đai, phum sóc “một tấc không đi, một ly không rời"".

Là chức sắc tôn giáo, cán bộ của MTDTGP tỉnh, ông Lâm Nuôl ở chùa mặc cà sa, còn khi đi công tác cũng vận bà ba đen, nón tai bèo, súng đạn quấn lưng. Mỗi khi đến gần nơi đồng bào sinh sống, ông Lâm Nuôl lại vận lên bộ cà sa, các gia đình Khmer thấy ông thì trải chiếu bông, vái lạy theo phong tục. Và khi ông cất lời nói về cách mạng, về Bác Hồ, về Ðảng, về tương lai phía trước, đồng bào không chỉ chăm chú nghe như nuốt từng lời mà còn xúc động đến rơi nước mắt.

Ông Lâm Nuôl nhớ mãi về kỷ niệm lúc Bác Hồ qua đời. Bà con Khmer vùng Trần Văn Thời đã tề tựu rất đông tổ chức Lễ truy điệu Bác. Hôm đó, nỗi niềm tiếc thương vô hạn của bà con đối với vị cha già kính yêu của dân tộc đã thấu tận đất trời, nhoà đi trong cơn mưa tầm tã.

Năm 1972, ông Lâm Nuôl là Phó chủ tịch MTDTGP tỉnh Cà Mau. Cục diện chiến trường diễn biến ngày càng mau lẹ, ngày toàn thắng càng cận kề thì công việc của ông càng hăng hái. Ông Lâm Nuôl bộc bạch: “Những năm ấy, về với bà con Khmer Cà Mau, nhìn vào ánh mắt của mọi người, tôi đã thấy ngày toàn thắng không còn bao lâu nữa! Ðó là sự thật”.

Cách mạng đã chuẩn bị mọi điều kiện cho thời khắc trọng đại ấy. Riêng ông Lâm Nuôl, quãng thời gian ấy liên tục nhận được các nhiệm vụ mới trên giao về tuyên truyền, phổ biến cương lĩnh của MTDTGP miền Nam về chính sách hoà hợp, hoà giải, đoàn kết dân tộc.

Cuối tháng 4/1975, không khí chiến thắng đã lan toả sâu rộng, làm cho lòng người náo nức, phấn chấn. MTDTGP tỉnh Cà Mau liên tục mở ra các hội nghị, lớp chỉnh huấn học tập cho các đối tượng sư sãi, nòng cốt là người đồng bào dân tộc. Ông Lâm Nuôl là người phụ trách chuẩn bị chương trình, dịch thuật tài liệu sang tiếng Khmer và chủ trì triển khai các công việc này. Rồi có lệnh dừng các lớp, chuẩn bị tiếp quản. Ông Lâm Nuôl hồi nhớ: “Ban Khmer vận và Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước được phân công tiếp quản các mục tiêu là chùa Phường 1, khu Cao Thắng và Ty Miên vụ của chế độ cũ”.

Tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, ông Lâm Nuôl cùng lãnh đạo MTDTGP tỉnh Cà Mau tập hợp lực lượng, phân công nhiệm vụ, di chuyển bằng xuồng máy Kohler tiến về thị xã Cà Mau. Ðó là sáng ngày 1/5/1975. Bước chân lên chùa Phường 1  (chùa Monivongsa, Phường 1, TP Cà Mau bây giờ), ông Lâm Nuôl mô tả: “Có 42 cán binh chế độ cũ đã tập trung sẵn ở đó, súng đạn, quân trang, quân dụng chất đống và chiếc xe Jeep để bàn giao cách mạng. Cán binh người Khmer là nội tuyến của ta ở thị xã cũng đã chuẩn bị sẵn ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc trương lên nhanh chóng”. Khi tiến về mục tiêu Ty Miên vụ của chế độ cũ, ông Lâm Nuôl cho biết: “Tên Trưởng ty là Trần Tư run lẩy bẩy, chắp tay vái lạy cán bộ, đồng thời bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, cơ sở vật chất và con người”.

Trong lòng bừng lên nỗi vui mừng khôn tả, ông Lâm Nuôl soạn gấp bài nói để phóng thanh trên loa bằng tiếng Khmer, kêu gọi binh lính chế độ cũ đầu hàng hoàn toàn, không gây nợ máu và thông báo về ý nghĩa ngày toàn thắng, về chủ trương hoà hợp, đoàn kết dân tộc của cách mạng. Người Khmer ở khắp nơi tại Cà Mau cùng với đồng bào trong tỉnh mở hội chiến thắng tưng bừng.

Sau giải phóng, ông Lâm Nuôl hoàn tục, tiếp tục công tác ở Ban Khmer vận Cà Mau, rồi đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau. Ông Lâm Nuôl trở thành Ðại biểu Quốc hội liên tiếp 3 khoá VI, VII và VIII. Sau khi “xuất sư”, người Khmer Cà Mau đều gọi ông Lâm Nuôl là “lục thum” với ý nghĩa trang trọng, ngưỡng phục. Uy tín, tiếng nói và cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của ông Lâm Nuôl được đồng bào Khmer Cà Mau coi là tấm gương sáng, là niềm tự hào lớn lao.

Hưu trí, ông Lâm Nuôl chọn sống bình dị, vui vầy với gia đình, con cháu. Ðiều canh cánh bên lòng của ông là làm sao để con em đồng bào Khmer được học hành đàng hoàng hơn, đào tạo được những cán bộ, đảng viên người Khmer có đủ năng lực, trình độ để cống hiến. Nói về người Khmer Cà Mau hôm nay, ông Lâm Nuôl nở nụ cười hiền: “Có Bác Hồ, có Ðảng, người Khmer Cà Mau nói riêng và đồng bào nói chung mới hưởng được hoà bình, cuộc sống ngày càng ấm no, giàu đẹp. Ðồng bào Khmer mình phải làm sao gìn giữ được bản sắc văn hoá, phát huy nội lực, phải là máu thịt của quê hương, đất nước, của sự nghiệp cách mạng”./.

Theo PHẠM HẢI NGUYÊN (Báo Cà Mau)