Dấu son lịch sử chói lọi
Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lê (ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) có chồng và con hy sinh trong thời chiến, chia sẻ: “Cuộc kháng chiến chống giặc ác liệt lắm, có những gia đình hy sinh không còn một ai. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước đã trải qua thì sự đóng góp của gia đình mẹ chẳng đáng là bao”.
Mẹ Lê khẳng định: “Dân, quân ta đã đập tan 2 cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, đưa cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhờ niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh và ý chí kiên cường của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Được biết, thời điểm phát động cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Đảng ta chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, một con số khá khiêm tốn so với tổng số dân nước ta lúc bấy giờ. Nhưng nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, Đảng ta đã huy động được sức mạnh quật khởi của toàn dân, khôn khéo cô lập 10 vạn quân phát xít Nhật, vô hiệu hóa tất cả phe phái chính trị phản động, lãnh đạo hàng triệu quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Mô hình phục dựng cuộc họp lần thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An vào cuối tháng 9/1945 chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp quay trở lại
Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, thời gian qua, tỉnh luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, tỉnh ra sức thực hiện mục tiêu phấn đấu GRDP năm 2022 đạt trên 7%; đồng thời, tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; quan tâm, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để đưa Long An nằm trong nhóm 10 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm
Góp phần vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất nội bộ, lãnh đạo nhân dân đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam bộ. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An. Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21-8-1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng.
Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Quê hương khởi sắc
Cùng với cả nước, 77 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Long An luôn vững tin theo ngọn cờ của Đảng, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Đặc biệt, KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.
Thông tin từ UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm nay của tỉnh ước đạt gần 7,3%, sẽ phấn đấu đạt 8% vào cuối năm. 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đều tăng. Riêng công tác thu ngân sách đạt kết quả rất khả quan, tổng thu ngân sách của tỉnh hơn 14.000 tỉ đồng, đạt hơn 80% dự toán.
Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, Sở tham mưu UBND tỉnh công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 112/161 xã đạt chuẩn NTM (chiếm trên 69,5%). Huyện Châu Thành và Tân Trụ đã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP.Tân An và thị xã Kiến Tường đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Theo cựu chiến binh Lương Trung Hải (phường Tân Khánh, TP.Tân An) so với trước đây, quê hương đã có sự thay đổi vượt bậc. Đặc biệt, hạ tầng KT-XH nông thôn ngày được xây dựng từng bước đồng bộ, hiện đại; cảnh quan nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. “Ngoài sống vui, sống khỏe cùng con cháu, tôi còn vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương; tích cực tham gia tự quản về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và văn minh đô thị; thường xuyên gặp gỡ chia sẻ, truyền lại “ngọn lửa” yêu nước cho lớp trẻ” - cựu chiến binh Lương Trung Hải bộc bạch.
“Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, thời gian qua, tỉnh luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, tỉnh ra sức thực hiện mục tiêu phấn đấu GRDP năm 2022 đạt trên 7%; đồng thời, tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; quan tâm, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để đưa Long An nằm trong nhóm 10 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm thông tin.
Nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc, quê hương, thế hệ trẻ hôm nay mà mai sau càng phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước./.
Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn dân tham gia khởi nghĩa giành thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25/8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn. Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị gần 100 năm bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thật sự thuộc về tay nhân dân ta.
Theo Báo Long An