Chuyện miệt đồng hồi nẳm

08/05/2023 - 10:34

Những câu chuyện về tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất ở đồng quê Nam Bộ ngày trước không chỉ giúp thế hệ sau hình dung về bối cảnh, phương tiện, điều kiện sinh sống và canh tác; mà còn chất chứa những nỗi gian khó cũng như sự cần cù, linh hoạt, kinh nghiệm dân gian phong phú của lớp lớp ông cha ta trong công cuộc xuôi Nam mở cõi. Trong khuôn khổ bài viết này, xin kể vài câu chuyện thú vị về những tập quán, kinh nghiệm dân gian ở miệt đồng ngày xưa...

A A

Trâu kéo rơm miệt Hậu Giang. Ảnh: DUY KHÔI

Chuyện về con trâu "đầu cơ nghiệp"

Ðầu tiên là tập cho trâu biết nghe lệnh "ví, thá". Nông dân vừa nói ví (hay thá) vừa quất roi vóc, từ đó trâu nghe tiếng thì điều chỉnh bước đi sang trái hay sang phải theo yêu cầu của người điều khiển. Roi điều khiển trâu làm bằng cây mây vóc (loại mây không gai), nên gọi "roi vóc". Ðoạn mây được kết thêm một đoạn dây bố hoặc dây gai đánh săn lại, không lớn lắm, chỉ bằng hoặc nhỏ hơn ngón tay út.

Một câu chuyện thú vị khác là "nẹt trâu" - cách nói của người miệt đồng về tạo một đường nước, trước nhỏ, sau lớn dần. Ðó là cách dùng trâu kéo xuồng bằng dây (thường dùng dây luột hay dây keo hoặc dây gân to) theo một đường nước nhỏ tự nhiên, lâu ngày, nhiều lần, đường nước ấy rộng lớn ra, trở thành một thủy mạch giao thông nội đồng.

Ở những nơi có điều kiện, các chủ ruộng cũng đồng thời là chủ trâu, vì lợi ích chung sẽ hẹn nhau một ngày đem toàn bộ số trâu của mình đến điểm tập trung, tổ chức một cuộc đua trâu mà đường đua là chính là đường nước tự nhiên (con lung lạn). Trâu ai nấy khiển, hàng trăm con trong tư thế cong đuôi chạy xộn xộn, ầm ầm ào ào… Do nước bị dậy phèn nên bao nhiêu tôm càng đều nổi râu, còn cá to cá nhỏ thì không thể không lật bụng! Cuộc đua phải được lặp lại "năm lần bảy lượt" thì đường nước mới ngày càng sâu rộng thêm. Thế là một thủy mạch được hình thành mà không cần phải huy động đến sức người!

Mùa nước, toàn vùng Ðồng Tháp Mười ngập sâu 2-3 thước nước, nhà ở của cư dân tuy cất trên đất giồng cặp theo mé sông, không thể không kê kích, có khi phải trổ cánh én, chó gà đều đứng một chỗ trên cái giàn cao kê tạm trước sân, thậm chí bay lên nóc nhà. Còn đại gia súc, hầu hết là trâu, thì phải mướn người "len trâu" - lùa trâu tìm một cái gò giữ ở đó cho chúng ăn hết cỏ thì lùa đi tìm gò khác. Cứ thế cho đến khi nước giựt cạn. Giá mướn người len một cặp trâu suốt mùa là 5 giạ lúa. Trâu lỡ bịnh chết thì chỉ cần giữ lại cặp sừng và 1 miếng da để làm vật chứng. Chủ không thắc mắc gì cả - nông dân đối xử và tin nhau ở tấm lòng chân thật. Mỗi người (thường là hai vợ chồng) có thể lãnh từ 100-200 đôi trâu trong mùa nước.

"Vầy", "chợ rổi"

Ðiểm hẹn quy ước của những người làm đìa "lòi cá" (chở cá vừa thu hoạch được) đến bến sông đặng bán cho "lái rổi", gọi "vầy", là "chợ rổi". Ðây là một kiểu chợ phiên chuyên mua bán các loại cá đen như cá trê, cá rô, cá lóc... (vì các loại cá trắng, kể cả cá sặc rằn là loài sống ở tầng mặt và tầng giữa, lên khỏi mặt nước chừng mươi phút thì chết, không chở đi xa được, do đó đều bị xem là "đồ bỏ đi"). "Vầy" hình thành ở bến nước giữa đồng, bạn hàng toàn những người chuyên mua đi bán lại theo giá sỉ. Họ chở cá đi xa bằng "ghe đục" là loại ghe khá lớn được thiết kế theo nguyên tắc bình thông nhau, nên tuy phải chèo chống đến các chợ lớn, nhỏ rất mất thời gian, nhưng được cái là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hao hụt do cá bị ngợp hoặc chết.

Mấy câu chuyện về cá lóc

Trong các lung, đìa ở đồng sâu, dữ nhất phải nói là "cá lóc môi trề". Bọn này hễ gặp đồng loại thì tấn công, khiến đồng chủng cũng sợ! Do rất lớn con (sức lớn bình quân 4-5kg/con), lại háu ăn và nặng ký nên sau này nông dân đã lấy giống để sinh sản nhân tạo.

Khi tát đìa mà mà rủi gặp mưa to kéo dài suốt đêm, đìa "bị chìm", cá lóc lớn tìm chỗ bờ thấp là nơi nước mưa trên đồng chảy xuống, chúng rủ nhau đi trốn từng cặp bằng cách phóng lên miệng đìa tìm những vũng nhỏ (đất đồng không bằng phẳng) để ẩn mình. Chúng nằm yên, có khi vài ba ngày vẫn không cựa quậy, chờ đến khi nào tát đìa xong, tức không còn nghe tiếng xôn xao, nó mới tìm đường thoát thân (thường là trở xuống đìa đã tát). Người làm đìa chuyên nghiệp tất nhiên phải biết "mánh lới" của cá, cho nên khi đìa bị chìm thì sáng lại tổ chức đi rảo xung quanh để bắt, toàn cá lóc bự!

Cách bán cá rô lưới tại "vầy"

Mùa nước nổi, nước ngập lênh láng đồng cạn đồng sâu. Người dân, kẻ chận đăng đặt lọp, người nhấp cá, cặm câu... Tùy từng phương tiện đánh bắt mà thu hoạch toàn tôm càng, cá bự, rồi thì rắn, cua, rùa, ếch... Ham nhất là giăng lưới cá rô đồng, bà con dùng "lưới mặt 5 phân" tức rất thưa, bắt được toàn "cá rô mề". Trong mua bán, do chúng đều cùng một lứa như "cá lựa" nên người dân miệt đồng ngày trước không cân, mà đếm. Khi bắt/đếm cá rô, bà con cùng lúc dùng cả hai tay, mỗi tay bắt một con từ khoang xuồng của mình bỏ qua giỏ hoặc khoang xuồng của lái một cách rất nhanh nhẹn mà không hề sợ chúng "nẹt gai" đâm. Vừa bắt vừa đếm to lên để mọi người dễ theo dõi, kiểm tra. Ðếm được bao nhiêu thì kể gấp đôi, vì mỗi tiếng đếm là 1 cặp (2 con). Thí dụ 160 thì hiểu là 320 con, theo đó mà tính tiền theo quy ước 17 con/1kg.

Bắt lươn khi nước chạy đồng (vừa ngập)

Khi nước mới ngập đồng chừng vài ba tấc, đảo mắt nhìn, nếu thấy nơi nào có một chòm cỏ màu xanh mà cao hơn xung quanh thì thường là chỗ đó có hang lươn. Do nước ngập và bị cỏ che khuất, không thể tìm hang lươn bằng mắt, mà phải dùng bàn chân dò tìm loanh quanh một hồi, nếu bắt gặp một lổ vừa lọt gót chân thì đó chính là hang lươn. Lúc này động tác trước nhứt của người đi bắt lươn là lẹ lẹ cúi xuống, nắm bàn tay lại mà thọc vô miệng hang, nếu vừa lọt nắm tay thì con lươn khoảng 700 gram. Nếu thọt không lọt nắm tay thì lươn dưới nửa ký, chê nhỏ, không bắt.

Một cậu bé miệt U Minh Thượng "bắt cá hôi" dính được chú cá lóc bự. Ảnh: DUY KHÔI

Khi đã xác định hang có lươn hơn nửa ký, người ta liền bứt một nắm cỏ quấn chặt lại, nhét xuống, chừng 3-4 tấc thì tới ngã ba, tức ngã rẽ giữa hang cắm và hang ngách. Nhét cỏ tại hang cắm (nếu không mau mau ém cỏ, lươn sẽ rút xuống trốn ở hang cắm này - rất sâu, có khi sâu cả thước), rồi làm động tác tróc lưỡi. Lươn đang ở ngách vẫn nghe rõ tiếng "tróc", tưởng tiếng kêu của con mồi, bươn bả trườn lên, lúc đó cánh tay người bắt lươn đang trong tư thế đón con mồi trong hang, bung bàn tay ra, các ngón hơi co lại, sát vào nhau và đều hướng vào tâm, chờ đợi, trong tích tắc lươn trườn lên, đầu nó vừa chạm vào lòng bàn tay, tức khắc các đầu ngón tay liền bấu vào, lươn nhanh nhẹn tụt xuống, tuy trơn nhớt nhưng không thể thoát được vì cái mang của nó đã bị kẹt bởi cả 5 móng tay của nông dân!

Đỉa trâu

Ở đồng sâu, đỉa nhỏ gọi đỉa mén, đỉa to gọi đỉa trâu. Con đỉa trâu to bằng ngón tay, khi nó hút no máu thì toàn thân trương lên bằng ngón chân cái và dài gấp hai lần bình thường. Trâu rất thích nằm nước nên nơi nào có nhiều trâu ngâm mình thì nơi đó có nhiều đỉa trâu. Loại đỉa này không chỉ đánh hơi rất giỏi mà còn rất táo tợn. Tối, bà con nông dân ngủ trên xuồng, nếu không tấn mùng kỹ, hoặc ngủ nóp mà không đúng quy cách, sẽ bị đỉa trâu bò lên xuồng, chui vô hút máu "đã thèm" mà nạn nhân không hề hay biết.

Của hồi môn ở miệt đồng

Nông dân ngày xưa mỗi khi gả con, để phụ với bên nhà chồng trong việc giúp vốn cho đôi trẻ ra riêng tự lập, cha mẹ cô gái thay vì cho con mình mấy món nữ trang, hay cái tủ áo (như phong tục ở chợ), thì họ thường cho con một "đường câu" do trâu lội tới lui nhiều lần mà thành, hoặc con lung tự nhiên trong đất ruộng của mình. Mùa nước người ta dùng lưỡi hái cắt vẹt cỏ tạo thành một đường tương đối trống, nhưng không quá rộng, ngang chừng 5 tấc là được, cốt vừa đủ để bủa đường câu - trống quá cá sẽ nhác, không cắn câu. Chỉ cần đường câu chừng trăm lưỡi cũng đủ chi tiêu cho cả nhà qua mùa nước nổi.

Khi nước sắp giựt, bao nhiêu cá trên đồng đều rút xuống "đường câu" ấy, người ta chỉ cần "đắp tàu", tha hồ mà "lụm cá". Nếu siêng năng và biết cách khai thác, với món của hồi môn đơn giản ấy, cặp vợ chồng son cũng "sống được".

Theo Báo Cần Thơ