Chợ Rạch Giá xưa. Nguồn ảnh: Internet
Tháng 8-1945, cuộc chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc. Sau khi đánh bại phát-xít Đức ở phía Tây, ngày 9-3-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật. Chỉ ít hôm sau, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân chủ lực tinh nhuệ nhất của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Sự sụp đổ của phát-xít Nhật đã tạo ra điều kiện khách quan vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
Tin Nhật đầu hàng làm cho chánh quyền của chúng ở Đông Dương hoang mang, rệu rã. Các tầng lớp nhân dân phấn khởi, khí thế cách mạng lên cao. Tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện ở Việt Nam.
Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Ở Nam bộ, tình hình bấy giờ thật nóng bỏng. Tin Nhật đầu hàng truyền đi làm cho quần chúng xôn xao, nóng lòng hành động. Tại Cần Thơ, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang mở cuộc họp khẩn cấp để bàn và thống nhất phát lệnh khởi nghĩa.
Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Lâm thời Rạch Giá quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa; phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng mặt công tác và địa bàn cụ thể để xúc tiến việc khởi nghĩa.
Tỉnh ủy cũng quyết định rút một phần lực lượng ở các quận, chủ yếu là lực lượng Thanh niên Cứu quốc về Rạch Giá để tăng cường cho các tổ chức của tỉnh mới thành lập; lập một phòng thông tin ngay trong nhà lồng chợ Rạch Giá để công khai phổ biến rộng rãi tin Nhật đầu hàng và các tin tức khác trên báo chí có lợi cho cách mạng. Điều này, một mặt gây khí thế cách mạng trong quần chúng, mặt khác cũng để thăm dò phản ứng của chánh quyền Nhật và tay sai.
Lúc bấy giờ, không khí cách mạng trong cả tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên càng sôi sục. Công tác chuẩn bị cho việc giành chánh quyền được tiến hành gần như công khai ở vùng ven 2 tỉnh lỵ và nhiều quận khác. Tin khởi nghĩa giành chánh quyền thắng lợi ở Hà Nội (ngày 19-8), ở Huế (ngày 23-8), ở Sài Gòn (ngày 23-8) và các nơi khác đưa về dồn dập càng làm cho mọi người náo nức, phấn khởi; cổ vũ niềm tin vào thắng lợi sắp đến, thôi thúc mạnh mẽ quần chúng vùng lên khởi nghĩa.
Đêm 25-8-1945, Tỉnh ủy Lâm thời Rạch Giá họp mở rộng với Ủy ban khởi nghĩa, do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiễn chủ trì. Sau khi nhận định tình hình về mọi mặt và kiểm tra công tác chuẩn bị, hội nghị quyết định phát động toàn dân nổi dậy giành chánh quyền trong toàn tỉnh vào sáng 27-8-1945.
Để đảm bảo thắng lợi, Ủy ban khởi nghĩa chủ trương huy động lực lượng quần chúng của một số quận xung quanh tỉnh lỵ Rạch Giá cùng kéo về phối hợp. Các quận đều tự tổ chức giành chánh quyền tại chỗ. Hội nghị xong, từng tỉnh ủy viên và các cán bộ theo phân công cấp tốc về các địa phương gấp rút chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy.
Sáng 27-8-1945, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, các tổ chức, đoàn thể lãnh đạo đông đảo quần chúng cách mạng vũ trang bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc... cùng với băng, cờ, khẩu hiệu, từ các làng ở Châu Thành, An Biên, Giồng Riềng, Gò Quao... rầm rập kéo về tỉnh lỵ Rạch Giá phối hợp với các lực lượng tại chỗ tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chánh quyền ở tỉnh.
Các đoàn biểu tình hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo phát-xít Nhật và bè lũ tay sai”; “Đả đảo Chánh phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”…
Khoảng 9 giờ sáng, lực lượng khởi nghĩa, có các đội tự vệ vũ trang làm nòng cốt, kéo đến bao vây Dinh Tỉnh trưởng. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, Tỉnh trưởng Trịnh Tấn Truyện phải đầu hàng.
Sau khi chiếm Dinh Tỉnh trưởng, các đội tự vệ và đoàn biểu tình kéo đi chiếm Ty Cảnh sát, Trại Lính khố xanh, Kho bạc, Nhà Bưu điện... Một bộ phận đã phá Khám Lớn, giải thoát tù nhân. Những người hoạt động đắc lực cho Pháp, cho Nhật, có tội ác với nhân dân nhanh chóng bị truy bắt...
Buổi trưa, dòng người biểu tình từ các ngã kéo về sân vận động Rạch Giá dự lễ mừng cách mạng thành công. Trước gần 60.000 quần chúng có mặt trong buổi mít-tinh, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Rạch Giá long trọng tuyên bố chính quyền của phát-xít Nhật và tay sai đã bị lật đổ. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Rạch Giá, do Dược sĩ Trần Văn Luân làm Chủ tịch, ra mắt nhân dân.
Quần chúng reo hò phấn khởi, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”...
Ở quận Châu Thành, nơi có các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng mạnh, bộ máy chánh quyền quận của Nhật lại đóng ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá, nên việc khởi nghĩa giành chánh quyền diễn ra khá thuận lợi. Khi được lệnh của Tỉnh ủy, Quận ủy Châu Thành tức tốc triệu tập hội nghị mở rộng, thống nhất lập Ban vận động khởi nghĩa và triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy.
Sáng 27-8-1945, Quận ủy đã huy động một lực lượng hơn 4.000 người để phối hợp với tỉnh lỵ. Đồng thời với việc giành chánh quyền ở tỉnh và quận, ở các làng nhân dân cũng đồng loạt nổi dậy giành chánh quyền.
Ở quận lỵ Phước Long, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa quận, ngày 27-8-1945, nhân dân với vũ khí thô sơ, từ các xã kéo về bao vây Dinh Tỉnh trưởng cùng các công sở... Trước khí thế của quần chúng, Quận trưởng và tất cả lính mã tà không dám chống cự, xin đầu hàng và giao nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng. Chính quyền cách mạng của quận Phước Long được thành lập. Ủy ban Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc được củng cố. Các đơn vị du kích, tự vệ gấp rút được xây dựng.
Ngày 28-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa quận Long Mỹ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn. Sau đó quần chúng có vũ trang tiến về bao vây Dinh Quận và trại lính Nhật. Quận trưởng cùng tay sai vội vã đầu hàng, binh lính Nhật cũng hạ vũ khí.
Ở các quận Giồng Riềng, Gò Quao và An Biên, dưới sự lãnh đạo của các Ủy ban khởi nghĩa, nhân dân đã giành được chính quyền mau chóng và thuận lợi.
Cầu nổi Hà Tiên xưa. Nguồn ảnh: Internet
Ở tỉnh Hà Tiên, sáng 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Châu Thành, nhân dân được vũ trang bằng giáo, mác, gậy gộc và tầm vông vạt nhọn từ Hòn Chông, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yên, Lộc Trĩ... kéo về thị xã Hà Tiên phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chánh quyền. Do được vận động từ trước, nên khi đoàn đại diện của cách mạng do thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lầu đến gặp Đốc phủ, Tỉnh trưởng Hà Tiên Tạ Trung Cang đã nhanh chóng bàn giao chính quyền một cách êm thắm. Lực lượng khởi nghĩa tỏa đi chiếm Tòa bố và các công sở. Đồng bào thị xã vui mừng, phấn khởi, phân công nhau tiếp tế cơm nước cho những người tham gia khởi nghĩa.
Sau khi tiếp quản, chiếm xong các cơ quan, công sở của chánh quyền cũ, đoàn người diễu hành dọc một số tuyến đường chính rồi kéo về sân quần vợt của tỉnh để dự lễ mít tinh. Trước hơn 3.500 quần chúng, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tiên, do nhà giáo Nguyễn Ngọc Lầu làm Chủ tịch, ra mắt nhân dân.
Các địa phương khác trong tỉnh Hà Tiên, qua ngày sau cũng hoàn thành việc thành lập chánh quyền cách mạng. Riêng quận Phú Quốc, do ở xa đất liền, đi lại, liên lạc cách trở, biển lại đang động và lúc này chưa có tổ chức Đảng nên việc giành chánh quyền cũng như thành lập chánh quyền cách mạng diễn ra chậm hơn...
Sau khi xóa bỏ chánh quyền cũ, lực lượng khởi nghĩa tiếp tục truy quét số Việt gian còn lẩn trốn. Một đơn vị quân Nhật còn đóng giữ kho lúa ở Đầu Doi tỉnh lỵ Rạch Giá tỏ ra ngoan cố đã bị lực lượng vũ trang cách mạng trừng trị; diệt 4 tên và bắt sống 8 tên khác. Còn 1 đơn vị quân Nhật ở Hà Tiên, lực lượng cách mạng đã đến thuyết phục đầu hàng. Chúng chấp nhận giao nộp kho tàng và rút về Sài Gòn. Mặt khác, Ủy ban nhân dân tỉnh ra lệnh tịch thu các kho lúa của Nhật, đem phân phát cho dân. Chính quyền mới ở các cấp đã lãnh đạo nhân dân khắc phục những khó khăn do chế độ cũ để lại, nhanh chóng ổn định và xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng để bảo vệ thành quả cách mạng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên trước hết là kết quả của sự lãnh đạo tài trí của Đảng Cộng sản, trực tiếp là Đảng bộ ở hai tỉnh Rạch Giá - Hà Tiên. Đây cũng là kết quả của tinh thần anh dũng hy sinh của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng; của sức mạnh đại đoàn kết, bền bỉ đấu tranh của nhân dân Rạch Giá và Hà Tiên. Đó còn là quá trình xây dựng và chuẩn bị lực lượng lâu dài từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh, trải qua thời kỳ vận động cách mạng đi đến thành lập tổ chức tiền thân của Đảng đến việc hình thành chi bộ Đảng đầu tiên, thời kỳ vận động đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và phát triển đến đỉnh cao là cuộc vận động giải phóng dân tộc trong thời kỳ 1939-1945.
Theo ĐỨC BÌNH (Báo Kiên Giang)