Kỷ niệm 154 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

07/10/2022 - 09:10

Chiều 6/10, tại khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Trụ long trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 154 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, các huyện, thị, thành phố và đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh tham dự Lễ.

A A

Người dân dâng hương kỷ niệm 154 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838, tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Xuất thân là dân chài, giỏi võ nghệ, can đảm, có lòng yêu nước, Nguyễn Trung Trực sớm trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc, lập nên nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu với hai chiến công lừng lẫy trong phong trào vũ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX là "Hỏa hồng Nhựt Tảo" và "Kiếm bạt Kiên Giang".

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ XIX, lo sợ trước phong trào kháng chiến ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Nam Kỳ, quân Pháp đã điều động một tàu chiến mang tên Hy Vọng (L’Esperance) chạy dọc sông, án ngữ ở Vàm Nhựt Tảo (nay thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực đã xây dựng một kế hoạch táo bạo để đánh tàu.

Tương truyền, ông cùng với các nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa, lên tàu để xin giấy phép thông hành. Trong lúc trình giấy thông hành, ông bất ngờ giết tên lính gác rồi cùng nghĩa quân tràn lên tấn công quân Pháp trên tàu. Không kịp trở tay, hầu hết quân địch trên tàu bị tiêu diệt (chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẫn hỏa đốt cháy tàu.

Sau đó, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiếp tục hoạt động chống Pháp tại Kiên Giang, Phú Quốc để lại bao nỗi khiếp sợ cho quân thù. Chúng treo giá đầu ông 18 vạn quan tiền.

Vở cải lương tái hiện sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Sau một trận chiến không cân sức tại Phú Quốc, bọn giặc uy hiếp sẽ bắt mẹ ông và nhân dân làm con tin nếu ông không quy hàng. Để cứu nhân dân, cứu mẹ và phong trào kháng Pháp trước sự đàn áp của địch, ông ra mặt cho địch bắt. Ngày 27/10/1868 (nhằm 12/9 năm Mậu Thìn), thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá (Kiên Giang). Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Tự hào với chiến công vang dội “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và tấm gương hy sinh oanh liệt của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, để góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, tỉnh Long An đã đầu tư xâỵ dựng Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Sau 13 năm đưa vào hoạt động, Khu di tích phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống, lịch sử và phát triển du lịch. Tại đây, hàng năm địa phương đều tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng trận Vàm Nhựt Tảo và tưởng niệm sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đây cũng là nơi đón tiếp các đoàn khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, viếng và dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Người dân xem hoạt cảnh về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từ thuở thơ bé tại quê hương Long An.

Tại Long An Lễ kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được long trọng tổ chức vào ngày 11 và 12/9 Âm lịch hằng năm tại di tích Vàm Nhựt Tảo (thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) và di tích Xóm Nghề (thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho khách thập phương đến viếng, tham quan khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo - nơi diễn ra trận đánh oanh liệt năm xưa của người nghĩa sỹ dân chài Nguyễn Trung Trực.

Theo TTXVN