Nhân cách tài hoa và đức độ Huỳnh Tấn Phát

06/02/2023 - 10:44

Dù ở cương vị công tác nào, Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn là người tận tụy, trung thành phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân. Ông đã sống trọn vẹn và cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc và nhân dân.

A A

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm việc tại UBND tỉnh Bến Tre.

Tuổi thơ và sự nghiệp

Ông Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) 76 năm cuộc đời, ông sinh ra tại làng Tân Hưng, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tuổi thơ của ông đã trải qua những tháng ngày khắc nghiệt, gia đình quá khó khăn phải gửi ông về ngoại ở Mỹ Tho để đi học từ lớp vỡ lòng. Nhưng Huỳnh Tấn Phát rất thông minh, khôn khéo, chăm chỉ học và học rất giỏi, học hết lớp trường dòng thi đậu học bổng và học Trường Tiểu học Mỹ Tho, cuối năm thứ tư thi lấy bằng Đíp-lôm, tức bằng Thành chung, rồi Huỳnh Tấn Phát tiếp tục thi đậu nhận học bổng vào Trường Petrus ký tại Sài Gòn - Gia Định và học cho đến khi tốt nghiệp ngành kiến trúc năm 1938.

Khi còn là học sinh Trường Mỹ Tho, những hoạt động bí mật và ảnh hưởng của các anh như Phạm Hùng và một số anh chị khác tham gia treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, cổ vũ phong trào cách mạng; đồng thời chứng kiến những cảnh khủng bố tàn khốc của địch đã làm xúc động, nhen nhóm ý thức đấu tranh cách mạng, đã nung nấu ông bước vào con đường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 9-1938, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn. Năm 1944, ông là Trưởng ban Cổ động Hội truyền bá Quốc ngữ ở Nam Kỳ. Đầu năm 1945, Huỳnh Tấn Phát dùng văn phòng làm việc của mình mở lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn.

Ngày 5-3-1945, ông được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Ông đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả nhất để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. 44 năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, người trí thức trẻ, người đảng viên trung kiên, bất khuất, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian nguy, khổ cực, biến nhà tù của giặc thành trường học lớn, động viên, giáo dục gia đình trở thành những người đồng chí, đồng đội xả thân quên mình vì Tổ quốc (6 người con và vợ của ông đều chọn theo con đường cách mạng). Thật cảm động vô cùng, người con gái đầu lòng của ông là Huỳnh Lan Khanh, lẽ ra được đưa ra miền Bắc học tập, đào tạo để trở thành những cán bộ trong tương lai, nhưng Lan Khanh đã ở lại miền Nam chiến đấu, chẳng may sa vào ổ phục kích của giặc Mỹ ở Trảng Dầu (Tây Ninh), chúng bắt lên máy bay, vì không chịu đầu hàng, khuất phục, Lan Khanh đã nhảy ra khỏi trực thăng và đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi (ngày 4-1-1968). Đến ngày 24-4-2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã từng giữ các chức vụ: Năm 1945, Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ Bí thư Tân Dân chủ Đảng công tác tuyên truyền và huấn luyện thanh niên trí thức, công nhân, học sinh. Cuối năm 1950, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 1-1951, được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, ông được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI cử ông làm Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1989, Quốc hội khóa VII cử ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6-1982, ông được cử giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.

Dù ở cương vị công tác nào, Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn là người tận tụy, trung thành phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân. Ông đã sống trọn vẹn và cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Trần Bạch Đằng đã nói: “Huỳnh Tấn Phát luôn đứng trên tuyến đầu, là một trí thức lớn, một nhà hoạt động cách mạng thâm niên cao, anh luôn giữ thái độ tổ chức thật chặt chẽ, với anh chỉ có công việc làm đáng kể”.

Tha thiết với quê hương Bến Tre

Ai cũng biết kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ra tại làng Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nhưng do hoàn cảnh lịch sử từ lúc tuổi thơ cho đến lúc học tập và hoạt động cách mạng thì ông Huỳnh Tấn Phát không ở chiến trường Bến Tre. Tuy nhiên, tên tuổi và sự nghiệp của ông đã tỏa sáng và tô thắm thêm niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Ông là niềm tự hào và trân quý của mọi thế hệ chúng ta. Ngược dòng lịch sử những người con Bến Tre không hẹn nhưng họ lại gặp nhau do lịch sử xếp đặt. Ta còn nhớ trong những năm kháng chiến chống Mỹ vào thời kỳ ác liệt nhất, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch thì bà Nguyễn Thị Định là Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Trong Hiệp định Paris “Người đánh, người đàm” và đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì Bến Tre lại xuất hiện thêm một nhân vật đã trút bom vào Dinh Độc lập và Tân Sân Nhất, cùng quân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là phi công Nguyễn Thành Trung. Sự hội ngộ ấy của con người Bến Tre như một câu chuyện huyền thoại mà chúng ta không thể nào quên được.

Trước Tết Quý Mão 2023, tôi đọc được một bài viết của nhà báo lão thành Lê Chí Nhân, khi ấy ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhân dịp tiếp và làm việc với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với tư cách là người con quê hương, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về quy hoạch. Ông Chí Nhân nhớ như in về ý kiến phát biểu của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát, ông tâm huyết nói lên khái quát quy hoạch phát triển thị xã Bến Tre thành đô thị văn minh, hiện đại, không phải nhìn đến 5 - 10 năm mà hàng trăm năm sau. Ông nói: Không phải thị xã nào cũng có điều kiện thiên nhiên như Bến Tre, có dòng sông Bến Tre, dòng sông Hàm Luông. Cho nên dù thị xã phát triển đô thị cỡ nào thì cũng nên “Lấy sông Bến Tre làm trung tâm đô thị, bờ sông Hàm Luông làm mặt tiền. Ta hãy hình dung trung tâm đô thị có dòng sông trong xanh, mát lành, gió lộng chảy từ sông Hàm Luông tới cầu Chẹt Sậy, hai bờ sông là hai dãy công viên. Chỉ một ý tưởng này thôi Bến Tre cũng đã nâng cao chất lượng cuộc sống và ai cũng muốn sống nơi đáng sống. Đây là tâm huyết của Huỳnh Tấn Phát, người kiến trúc sư bậc thầy, người có tầm nhìn xuyên thế kỷ “Thành phố hai bên bờ sông là thành phố đẹp nhất””.

Tấm lòng rộng mở và tha thiết với quê hương của một kiến trúc sư tầm cỡ thế giới, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo hôm nay cần nghiên cứu vận dụng ý kiến rất xác đáng mà 40 năm qua ta bỏ quên đi hoặc chưa thực hiện trọn vẹn.

Được biết gia đình và những người con, cháu của ông Huỳnh Tấn Phát có nhiều gắn bó giúp đỡ quê hương. Tôi còn nhớ anh Huỳnh Thiện Hùng, nguyên là Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 đã tích cực ủng hộ việc đưa dân Bến Tre lên vùng kinh tế mới Đắk Lắk. Địa phương đã đặt tên ông Huỳnh Tấn Phát ở các trường học cùng gia đình xây dựng đền thờ để tưởng niệm công lao to lớn của ông.

Trước những ngày lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tôi và một số đồng chí đã đến viếng đền thờ và thắp hương tưởng nhớ ông, nơi mà tôi đã đề xuất sửa chữa đình và mở rộng để lập đền thờ ông từ những năm 1986. Tôi có một cảm nhận sâu sắc kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một nhà kiến trúc tinh hoa mà cả nước và thế giới mến mộ. Ông không chỉ kiến trúc các công trình hiện đại bằng những chất liệu quý mà còn kiến trúc các công trình có ý nghĩa lịch sử của các Đại hội Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bằng những chất liệu đơn sơ nhưng trang trọng và đầy ý nghĩa. Càng đặc biệt hơn của sự đặc biệt đó là ông cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã kiến trúc một đường lối, sách lược, một cơ cấu tổ chức cụ thể hóa tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Trần Công Ngữ

 Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh

Theo Báo Đồng Khởi