Thêm chuyện kể về khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú

24/01/2024 - 16:12

Chúng tôi gặp ông Thái Công Bình - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tại nhà riêng. Ông Bình vừa đi dự và phát biểu tại lễ khánh thành khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công theo lời mời của Huyện ủy Vĩnh Thuận. Ông xúc động vì nơi đây người cha kính yêu của ông là ông Thái Trường Thông - nguyên Huyện đội phó Huyện đội An Biên bị tên ác ôn Lâm Quang Phòng sát hại ngày 12-12-1956. Người đàn ông 72 tuổi, từng kinh qua qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng khi kể về cha, giọng ông chùng xuống.

Ông Bình kể: “Tôi nhớ lúc ấy ba má tôi chở mấy anh em tôi trên chiếc xuồng tam bản, chèo từ Đông Hưng qua khu tập kết ở kênh xáng Chắc Băng (Vĩnh Thuận) để tiễn ba tôi. Lúc ấy tôi 5 tuổi, em trai tôi 2 tuổi, má tôi đang mang thai em bé. Khi qua đến Chắc Băng ở một thời gian chờ ba tôi xuống tàu thì má tôi sinh em bé. Khi đi có hai anh em, về có thêm em bé. Ba tôi xuống tàu, tổ chức bí mật phân công ba tôi ở lại".

"Khi gia đình tôi trở lại nhà ở Thứ Mười, ba tôi bí mật vào ở luôn trong rừng U Minh Thượng. Khi ba tôi bí mật vào rừng, má tôi mua hai cái khăn rằn giống nhau, ba tôi giữ một cái, má tôi giữ một cái. Lúc ba tôi bị bọn Lâm Quang Phòng bắt, má tôi mua thuốc và những thứ gửi được vào tù rồi bọc trong chiếc khăn của má gửi vào cho ba, ý má muốn nhắn với ba ở nhà không sao, ba nhìn chiếc khăn đó để hiểu má”, ông Bình kể tiếp

Ngày 12-12-1956, tra tấn và dụ hàng không được, Lâm Quang Phòng đưa ông Thông cùng những người dân vô tội hắn bắt được trong rừng U Minh về thủ tiêu trong rừng tràm Bang Biện Phú.

Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Khi còn công tác ở Kiên Giang, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết: “Ông ngoại tôi là Nguyễn Văn Tá - Trưởng Ty Canh nông tỉnh Rạch Giá không đi tập kết mà được phân công ở lại miền Nam, chỉ có các dì, cậu tôi đi tập kết. Năm 1956, Lâm Quang Phòng bắt ông ngoại tôi và chôn sống tại rừng tràm Bang Biện Phú cùng nhiều đồng chí của ông. Mỗi lần về Vĩnh Thuận, tôi thắp nhang cho ông trong những ngôi mộ tập thể…”.

Khi Đội K92, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang tiến hành khai quật từ ngày 22-5 đến cuối tháng 10-2010 trên khuôn viên rộng 2ha đã phát hiện thêm nhiều điều kinh khủng hơn những gì chúng ta nghe, hiểu về Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú từ trước đến nay.

Đại tá Ngô Long Dân khi ấy chỉ huy trực tiếp công tác khai quật tại đây nói: “Giết người man rợ là tội ác. Nhưng khi chúng tôi tìm thấy những cọc tràm vạt nhọn mà bọn giết người dùng để gài xác đồng bào, đồng chí mình khi chưa chết và chết không còn đầu (đa số bị chặt đầu) thì hành động đó còn hơn cả tội ác”.

Đứng trong khuôn viên đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công trong khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú, tôi nhớ chị Lê Thị Bảy - cán bộ phụ nữ huyện Hồng Dân bị bọn Lâm Quang Phòng bắt lúc con chị mới 7 tháng tuổi. Trước sức ép của người dân đấu tranh tại chỗ buộc bọn chúng phải cho người mẹ ẵm con theo để em bé được bú những giọt sữa cuối cùng của mẹ nên bọn giặc phải cho chị Bảy ẵm con theo. Chúng trói hai khuỷu tay, còn hai bàn tay, chị cố ôm con vào lòng. Khi bọn giặc giải chị tới đặc khu An Phước, đi qua chợ, đến chỗ đông người, chị cúi thấp xuống cho đứa bé rơi xuống đất và kêu lên: “Bà con ơi! Cho tôi gửi lại đứa con này”.

Ngay trong đêm ấy, bọn giặc đem chị Bảy đi thủ tiêu cùng những người đồng chí của mình. Dòng sữa của người mẹ 25 tuổi trộn trong bùn đất rừng tràm Bang Biện Phú và tiếng hô bị cắt ngang giữa chừng: “Đồng bào ơi! Tôi còn trên đời một đứa con. Hãy trả thù cho chúng tôi”.

Em bé 7 tháng tuổi ấy là Nguyễn Thanh Kỳ được cơ sở và người dân che chở tìm cách đưa về huyện Hồng Dân. Sau này có thời gian Kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Năm 1995, Kỳ tìm gặp người đồng chí của mẹ mình là bà Võ Thị Liễu - đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và được nghe bà Liễu kể toàn bộ câu chuyện về người mẹ anh dũng của mình.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khánh thành khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công ở huyện Vĩnh Thuận. Ảnh: TRUNG HIẾU

Đợt tìm kiếm xem như lần cuối tại khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú năm 2010, lực lượng tìm kiếm tìm thấy 20 bộ hài cốt nằm rải rác giống như mộ lẻ trong khuôn viên khu di tích, các xương còn đầy đủ nhưng hầu hết không có xương sọ; còn 6 gói hài cốt lấy được từ một hố chôn tập thể, không xác định được bao nhiêu bộ hài cốt vì không có bất cứ thứ gì bọc, gói nên xương bị phân hủy lẫn trong đất, không thể phân từng loại xương để xác định, ước tính mỗi gói này khoảng 15 bộ hài cốt.

Tuy nhiên, những nhân chứng sống quanh khu vực rừng tràm Bang Biện Phú trước đây, trong đó có ông Nguyễn Phước Kỳ (sau này từng giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) cho rằng: “Một hố chôn tập thể này có thể có từ 30-35 người. Con số 1.000 người bị Lâm Quang Phòng và thuộc hạ của hắn giết hại tại đây từ năm 1956-1957 chưa đầy đủ. Như vậy còn nhiều hố chôn tập thể vùi lấp tạm thời như thế, gần 60 năm qua thịt xương của họ đã lẫn vào bùn đất trên một diện tích 2ha”.

Còn ông Nguyễn Văn Cầu (Hai Cầu) - nguyên Trưởng Công an xã Vĩnh Thuận năm 1954, sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là thành viên Ban Chỉ đạo viết sử của tỉnh và khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú nói: “Những nhân chứng sống là tù binh, tù chính trị, quần chúng yêu nước đều có trách nhiệm cùng ban chỉ đạo viết sử của tỉnh kể lại, ghi lại nếu không đầy đủ cũng phải đạt từ 70-80% sự thật về tội ác, sự man rợ của bọn Lâm Quang Phòng. Mỗi người bổ sung một ít sẽ dần đầy đủ. Chúng ta vận động nhân chứng từng cộng tác trong hàng ngũ của Lâm Quang Phòng vì đất nước và dân tộc, nhất là vì hàng ngàn oan hồn còn nằm trong lòng đất mà nói lên sự thật tàn khốc này”.

Bà Trần Thị Bàng (thứ ba, từ phải qua), ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) kể chuyện về khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú. Ảnh: VÕ THANH XUÂN

Ngoài cán bộ, chiến sĩ bị bọn Lâm Quang Phòng bắt, số còn lại bị giặc bắt vì tình nghi liên hệ với đảng viên trong diện ở lại miền Nam để vận động thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất đất nước cũng bị bọn chúng lùng bắt và liệt vào danh sách “thân Cộng và Việt Cộng nằm vùng”, trong số này có ông Phan Hữu Hạnh, ngụ xã Vĩnh Thuận. Sau một thời gian bị bắt và bị giam trong chuồng cọp tại đặc khu An Phước, Lâm Quang Phòng cho thuộc hạ thủ tiêu ông Hạnh cùng một số tù nhân khác.

Ông Hạnh kể: “Khoảng nửa đêm, chúng đưa nhiều anh em ra rừng tràm Bang Biện Phú thủ tiêu. Anh em không ai biết mặt ai. Hai tên dẫn tôi đi ra bìa tràm, chúng ném cho tôi cây len rồi nói: “Cái hố này mày nằm với đồng bọn. Mày đào đàng hoàng, tao cho nằm tử tế, còn đào cạn thì chó tha ráng chịu”. Tôi cầm cây len lên đào được vài nhát, một thằng nói với thằng kia: “Mày coi nó đào, tao vào lấy đồ”. Lợi dụng lúc còn một tên, tôi quất cho nó một len té sấp rồi quăng len nhắm hướng rừng mà chạy. Tôi chạy đến sáng thì ra khỏi địa phận xã Vĩnh Thuận, vào sâu trong rừng U Minh Thượng, được bà con cưu mang”.

Ông Hạnh kể, một thuộc hạ từng thi hành lệnh của Lâm Quang Phòng tên N.V.Y ngồi cúi mặt, không dám ngước nhìn hàng chục nhân chứng từng nằm trong chuồng cọp bao hàng chục lớp chì gai cạnh xi tẹc nước của Bang Biện Phú. Ông ta khi đó 75 tuổi, sống tại ấp Thắng Lợi, xã Tân Thuận (Vĩnh Thuận). Ông Nguyễn Văn Cầu nói: “Anh biết gì, làm gì cứ kể ra, cũng là một hình thức lập công chuộc tội”. Ông Y nói khó nhọc: “Những việc tôi làm đều do tên Lâm Quang Phòng ra lệnh. Tôi biết hắn rất ác ôn, gây nhiều nợ máu với nhân dân, một người bạn tôi cũng là lính của Phòng kể chỉ một đêm 30 tết năm 1958, anh phải theo lệnh của Phòng giết 30 người”.

Cũng cần nói thêm về ông Nguyễn Hữu Phú, tức Bang Biện Phú. Ông giàu có, từng hiến tài sản và 15.000ha đất rừng cho cách mạng, tức là rừng tràm do ông khai phá. Con trai đầu của ông là Nguyễn Hữu Quí, công tác quân báo Quân khu 9, bị địch bắt năm 1951. Năm 1954, ông được trao trả theo tinh thần Hiệp định Genève và đi tập kết theo diện tù binh được trao trả. Năm 1964, ông Quí về miền Nam, hy sinh năm 1966 tại Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước).

Con gái thứ của ông Phú là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - cán bộ Sở Y tế Nam bộ. Năm 1954, bà Hạnh đi tập kết cả gia đình tại khu tập kết 200 ngày đêm ở Chắc Băng. Như vậy, các con ông Bang Biện Phú đều tham gia cách mạng. Hiện cháu ngoại của ông Bang Biện Phú là đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyên - đảng viên, công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang.

Theo THANH XUÂN (Báo Kiên Giang)