Cù Lao Dung - dải đất tựa lưng ra biển, nơi có hệ sinh thái đa dạng, địa phương gắn liền với truyền thống cách mạng của hai thời kỳ kháng chiến và sở hữu nhiều di sản văn hóa đặc biệt… Theo thời gian, Cù Lao Dung có những phát triển vượt bậc với những nét độc đáo, riêng biệt!
Vùng đất “đảo ngọc xanh” phát triển vượt bậc
Huyện Cù Lao Dung được thành lập năm 2002, trên cơ sở chia tách một phần từ huyện Long Phú (Sóc Trăng). Địa bàn huyện có 8 đơn vị hành chính, nằm biệt lập hoàn toàn với đất liền với tổng diện tích tự nhiên 24.503,60ha (diện tích đất nông nghiệp 15.662,48ha; đất phi nông nghiệp 8.732,91ha). Đặc tính thổ nhưỡng là đất phù sa, phù sa pha cát, có tầng phèn nằm chủ yếu từ 0,4m trở xuống, thích hợp cho việc phát triển các loại hoa màu, cây ăn trái. Độ màu mỡ của đất Cù Lao Dung giảm dần về phía giáp biển, do ảnh hưởng của nước mặn, tầng phèn gần tầng canh tác hơn. Do vậy, hệ thống cây trồng, vật nuôi của huyện cũng thay đổi và đa dạng hơn.
Cù Lao Dung - vùng sông nước hữu tình. Ảnh: Địa phương cung cấp
Đến cù lao, nhiều người sẽ bị lôi cuốn bởi những vườn cây ăn trái oằn sai, nhiều chủng loại với hương vị ngọt ngào, nồng đượm khó quên; mỏi mắt bao la những cánh đồng mía; nhiều vuông tôm mọc lên... Do biết tận dụng lợi thế tự nhiên, huyện đã và đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng tích cực qua từng năm. Huyện thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm dần diện tích mía kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có năng suất và giá trị kinh tế cao như: dừa, nhãn, xoài... và nuôi trồng thủy sản. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nên giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích sản xuất đạt 175 triệu đồng/ha/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2010). Cơ cấu kinh tế huyện chủ yếu là nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 123,26 tỷ đồng (tăng trên 102,26 tỷ đồng so với năm 2010).Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 3.100 tỷ đồng (tăng 1.170 tỷ đồng so với năm 2010).
Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tập trung chỉ đạo thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ảnh: Địa phương cung cấp
Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010). Các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước luôn được triển khai kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt, những năm gần đây việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của hộ gia đình, hằng năm có hàng trăm hộ thoát nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,38%.
Nhiều người ví von Cù Lao Dung như là một hòn đảo xanh với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình ở Cù Lao Dung luôn thấp hơn các vùng lân cận. Có lẽ vì thế mà nhiều người từng đến Cù Lao Dung đều có chung nhận định: Môi trường tự nhiên nơi đây thật tuyệt vời với không khí luôn trong lành và những cơn gió mang hơi nước từ sông Hậu đưa vào mát mẻ. Toàn dãy cù lao phủ một màu xanh biếc và không bị ảnh hưởng bởi những khói, bụi, âm thanh, tiếng ồn của các nhà máy. Đây thật sự là một vùng quê yên lành, thơ mộng rất phù hợp với những người thích du lịch khám phá và nghỉ dưỡng.
Với vẻ đẹp nên thơ của sông nước hữu tình, quanh năm sóng vỗ, Cù Lao Dung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch. Do vậy, tỉnh và huyện đang có những dự án, đề án phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, homestay với các hoạt động như: Tham quan nhà vườn, hái trái cây, đờn ca tài tử; khám phá cánh rừng phòng hộ nguyên sinh với diện tích hơn 1.400ha; trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút của bãi nghêu rộng hơn 800ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ với những nét rất riêng của các loài động vật và thủy, hải sản...
Tự hào truyền thống cách mạng
Cù Lao Dung còn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây từng là căn cứ địa của lực lượng cách mạng. Nhân dân Cù Lao Dung đã đấu tranh kiên cường và chịu biết bao gian lao, vất vả, đóng góp nhiều công sức, máu xương của mình cho sự nghiệp kháng chiến, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn, giành độc lập trọn vẹn. Trải qua những năm tháng đấu tranh cách mạng, hiện nay trên vùng đất này vẫn còn lưu lại rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu những chiến tích lẫy lừng của quân và dân địa phương. Tự hào về Cù Lao Dung - một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đạo đức, văn hóa quý báu cho thế hệ trẻ và nhân dân trong, ngoài tỉnh.
Đền thờ Bác Hồ - Niềm tự hào của người dân Cù Lao Dung. Ảnh: SỚM MAI
Theo Tài liệu Hội thảo khoa học Cù Lao Dung lịch sử hình thành và phát triển (Lưu hành nội bộ - năm 2023), Cù Lao Dung là một trong những vùng đất có nhiều tên gọi như: Huỳnh Dung Châu, cù lao Hổ Châu, cù lao Duông... Vùng đất này nằm cuối hạ lưu của dòng Cửu Long, chảy ra biển Đông tại 9 cửa sông tượng trưng cho 9 con rồng và riêng Cù Lao Dung đã có đến 3 “con rồng” (cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Trần Đề).
Vùng đất cách biệt với đất liền, được phủ kín bởi những rừng cây và các loại thực vật cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do đó, trong hai cuộc kháng chiến thì Cù Lao Dung là nơi an toàn cho lực lượng cách mạng nên căn cứ của Tỉnh ủy Sóc Trăng, căn cứ Huyện ủy Long Phú, căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh, căn cứ Huyện ủy Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) được đóng tại đây. Vì vậy, kẻ thù đã nhiều lần điên cuồng càn quét, bố trí đồn bốt dày đặc nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Nhưng địch càng đóng đồn bốt, càng đàn áp thì nhân dân cù lao càng đi theo cách mạng. Với ý chí sắt son, lòng dũng cảm của quân dân Cù Lao Dung đã làm nhục ý chí của kẻ thù. Điều đó được thể hiện qua những chiến công vang dội trên mảnh đất này như: “chiến thắng Rạch Già”, “chiến thắng An Hưng”, “phong trào Đồng Khởi”... Từ những chiến công này cũng đã xuất hiện những tấm gương anh hùng mà nay đã trở thành tên của các địa danh nổi tiếng tại vùng đất này như: Sơn Ton, Đoàn Văn Tố, Phước Hòa, Văn Sáu, Nguyễn Tăng, Lê Minh Châu, Nguyễn Công Minh, Tăng Long, Đặng Trung Tiến, Võ Thành Văn...
Mãi tự hào khi Cù Lao Dung có tới 4 di tích lịch sử - văn hóa gồm: Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ tại xã An Thạnh Đông; Di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh Bia tưởng niệm Chiến thắng Rạch Già tại thị trấn Cù Lao Dung; Di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh Bia Chiến thắng An Hưng tại xã An Thạnh 3; Di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh Đình rạch Giồng (Đình thần Nguyễn Trung Trực). Không những vậy, Cù Lao Dung còn là địa phương hiếm hoi của Sóc Trăng và miền Tây Nam Bộ có những sự kiện mang “dấu ấn đầu tiên” trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược như: Nơi ra đời của 1 trong 5 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng; nơi sản sinh Đội du kích tập trung đầu tiên của quận Long Phú; địa điểm xây dựng một trong những khu căn cứ đầu tiên của Tỉnh ủy Sóc Trăng; địa điểm đầu tiên xây dựng Trường Chính trị của tỉnh Sóc Trăng; Rạch Già (thuộc địa bàn xã An Thạnh 1) và những trận đánh Pháp đầu tiên ở Nam Bộ có bài hát đi cùng năm tháng.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất và con người Cù Lao Dung đã tạo nên sức sống mãnh liệt, kiên cường và cũng rất nghĩa tình. Trên nền tảng của cảnh quan thiên nhiên, cùng cộng đồng dân cư lâu đời đã tạo nên sắc thái văn hóa sông nước mà riêng Cù Lao Dung có được. Chính vì thế, các đặc trưng của không gian lịch sử - văn hóa Cù Lao Dung vẫn tồn tại đến ngày nay, tạo nên sự tích hợp và thích ứng giữa truyền thống với hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Cù Lao Dung trong tương lai.
Theo SỚM MAI (Báo Sóc Trăng)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: